Đã hơn một năm rưỡi trôi qua kể từ khi chiến dịch chiếm lại Raqqa được đưa ra, cuộc tấn công vào “thủ phủ” của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Syria vẫn chưa bắt đầu.
Đầu tuần trước, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Syria, tuyên bố sẽ phát động trận chiến Raqqa trong vòng hai tuần. Hôm 26/3, SDF đã đánh chiếm căn cứ không quân Tabqa, cách Raqqa 45km về phía tây. Các phương tiện truyền thông cũng đoán non đoán già rằng Mỹ có thể sẽ đợi đến sau cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ (dự kiến vào ngày 16/4), rồi mới phát động tấn công thành phố Raqqa.
Các kịch bản dành cho cuộc chiến Raqqa
Kịch bản đầu tiên là SDF là lực lượng chủ công đánh chiếm Raqqa, với sự yểm trợ hỏa lực của đặc nhiệm Mỹ và chiến đấu cơ của Liên minh chống IS.
|
Các chiến binh SDF được Mỹ trang bị vũ khí để đánh IS và chiếm Raqqa. Ảnh: Renegade Tribune |
Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của Mỹ, đã bác bỏ ý định của Washington dựa vào SDF do Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) của người Kurd cầm đầu.
Thay vào đó, Ankara đã đề xuất sử dụng quân nổi dậy Syria đang tham gia chiến dịch “Lá chắn Euphrates” tấn công Raqqa. Các lực lượng tham gia chiến dịch “Lá chắn Euphrates” đã đánh chiếm được thành phố Al Bab, nhưng đã bị Quân đội Syria chặn đứng ở vùng nông thôn phía đông tỉnh Aleppo, không cho tiến xuống phía nam.
Một kịch bản khác gợi ý rằng các nhóm nổi dậy Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn Syria tràn qua thị trấn Tal Abyad (hiện do SDF kiểm soát) đi xuống phía nam tiến đánh Raqqa. Kịch bản này chắc chắn sẽ bị YPG cực lực chống đối.
Theo đề xuất thứ ba, lực lượng Peshmerga của người Kurd Syria - được chính phủ Khu tự trị của người Kurd Iraq (KRG) huấn luyện và không chống đối Ankara - sẽ tham gia cuộc chiến chống lại phiến quân IS ở Syria và có thể là trận chiến Raqqa. Kịch bản này đã bị cả các chỉ huy Peshmerga Syria lẫn YPG (thù địch với KRG) bác bỏ.
Các quốc gia Arập tham gia Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ cầm đầu như như Ả-rập Xê-út và Jordan đã ngỏ ý tham gia chiến dịch đánh chiếm Raqqa, nhưng không đưa ra các đề xuất cụ thể.
Nga cũng tỏ ý quan tâm đến việc tham gia trận chiến Raqqa. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Konashenkov nói rằng "tất cả các lực lượng chống khủng bố" phải đoàn kết để chiếm được thành phố chiến lược này.
Bất chấp sự miễn cưỡng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đưa ra quyết định cuối cùng, Lầu Năm góc vẫn tiếp tục dựa vào SDF, lực lượng được thành lập vào tháng 10/2015 và được chính quyền Obama trang bị vũ khí để chống IS tại Syria cũng như đánh chiếm Raqqa.
Trong vài tuần gần đây, Liên minh chống IS đã tăng cường các cuộc không kích ở Syria và Iraq và sử dụng khoảng 1.000 trái bom và tên lửa trong vòng một tuần ( từ 17 đến 24/2). Trong vòng ba ngày, các cuộc không kích của liên minh do Mỹ cầm đầu đã giết chết khoảng 140 thường dân ở Syria.
Phiến quân IS chuẩn bị tử thủ ở Raqqa
Trong nhiều tháng qua, phiến quân IS đã chuẩn bị đối phó chiến dịch tấn công Raqqa. Các thủ lĩnh IS hàng đầu đã rời khỏi thành phố, cùng với một số các tay súng nước ngoài. Trận chiến tử thủ ở Raqqa sẽ do phiến quân IS tuyển dụng ở Syria đảm nhận.
|
Dân quân người Kurd đã gần như cắt đứt tất cả các tuyến đường cứu viện Raqqa của phiến quân IS, sau khi máy bay liên quân không kích đánh sập các cây cầu bắc qua sông Euphrates. Ảnh: Al Jazeera |
Sau khi Liên minh quốc tế không kích phá hủy tất cả các cây cầu bắc qua sông Euphrates, phiến quân IS đã bắt đầu đào hào xung quanh thành phố và thiết lập các chiến lũy. Thậm chí, phiến quân IS còn buộc các chủ cửa hàng phải trả một phần chi phí phòng thủ thành phố Raqqa.
Theo đánh giá của nhà phân tích quân sự Thổ Nhĩ Kỳ Can Kasapoglu, trận chiến đường phố Raqqa là loại hình chiến tranh mà phiến quân IS rất thành thạo. Ông giải thích: "Chúng (IS) nổi tiếng với việc sử dụng súng bắn tỉa, bẫy bom mìn, tên lửa chống tăng và chiến thuật du kích. Và chúng cũng không thiếu vũ khí và đạn dược” . Ông Kasapoglu cũng không loại trừ việc phiến quân IS sử dụng vũ khí hóa học, như chúng từng làm trước đây.
Nhà phân tích quân sự Kasapoglu cho rằng "Raqqa sẽ là trận chiến cuối cùng đối với ISIL (Nhà nước Hồi giáo IS)” và phiến quân IS sẽ có động lực cao hơn để chống lại các cuộc tấn công vào thành phố.
Nhưng liệu việc để mất Raqqa có thực sự là sự kết liễu đối với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo?
Theo ông Ammar Kahf - giám đốc điều hành Tổ chức tư vấn Omran ở Istanbul, câu trả lời là không. Ông Ammar Kahf giải thích: “ISIL sẽ vẫn tồn tại ...Các phần tử IS sẽ lẩn vào trong dân chúng. Về cơ bản, chúng sẽ không có một nhà nước và một vùng lãnh thổ đất cố định để xả thân bảo vệ". Theo ông, trừ khi có sự chuyển đổi quyền lực hiệu quả và một chính phủ hợp pháp tại chỗ, ISIL (nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo) sẽ tiếp tục tồn tại.
Nhưng hiện thời, có vẻ như Mỹ và các đồng minh đang tập trung vào mục tiêu nhanh chóng đánh bại IS và gạt sang một bên những vấn đề đã tạo ra tiền thân của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Rõ ràng, Mỹ và các đồng minh không thực sự có một kế hoạch dài hạn để tham gia các nỗ lực tái thiết. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây đã nói rõ: "Là một liên minh (chống khủng bố), chúng tôi không can dự vào quá trình tái thiết hoặc xây dựng một quốc gia”.
Minh Châu (Theo Al Jazeera)