Saida Ahmad Baghili, 18 tuổi, đang được điều trị trong bệnh viện al-Thawra ở thành phố cảng Hodeida, Yemen, vì bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Ihsan, 26 tuổi, chia sẻ rằng cô đã phải vay mượn tiền của hàng xóm để đưa cậu con trai bị suy dưỡng của mình tới bệnh viện khám bệnh.
“Cháu sút cân mỗi ngày và tôi đủ khả năng để cho con được ăn uống đầy đủ”, Ihsan buồn rầu nói.
Có thể nói, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng tồi tệ ở Yemen, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc lo ngại rằng ngày càng nhiều người đối mặt với nguy cơ chết đói.
|
Saida Ahmad Baghili bị suy dinh dưỡng nặng và đang điều trị trong một bệnh viện ở Hodeida, Yemen. Ảnh: CNN. |
Được biết, kể từ tháng 2/2016, WFP đã viện trợ lương thực cho hơn 3 triệu người dân Yemen mỗi tháng. Tuy nhiên, nguồn cung cấp thực phẩm đang ngày càng cạn kiệt.
“Cả một thế hệ ở Yemen có thể bị nạn đói hủy hoại”, Giám đốc WFP Torben Due cho biết.
“Chúng tôi cần mở rộng hoạt động viện trợ để nhiều người dân có thể được hỗ trợ kịp thời và điều trị dự phòng. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ người dân Yemen. Dù rất muốn cung cấp suất ăn đầy đủ cho mỗi gia đình nhưng thật đáng buồn khi chúng tôi phải chia nhỏ suất ăn hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng”, Giám đốc Torben Due chia sẻ.
Được biết, cuộc nội chiến ở Yemen bắt đầu vào đầu năm 2015 khi quân nổi dậy Houthi, lực lượng được Iran hậu thuẫn, chiếm quyền kiểm soát thủ đô Sanaa. Đất nước Yemen trở thành chiến trường giữa Ả-rập Xê-út và Iran.
Liên quân Ả-rập do Ả-rập Xê-út dẫn đầu bắt đầu chiến dịch quân sự hồi tháng 3/2015 nhằm khôi phục chính phủ Yemen và ngăn lực lượng nổi dậy Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh nắm quyền lực.
Các cuộc giao tranh giữa liên quân Ả-rập và phe nổi dậy Houthi tiếp diễn tại quốc gia Trung Đông này đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người đối mặt với nguy cơ chết đói.
Tuy nhiên, theo WFP, Yemen là một trong những quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới ngay cả trước khi cuộc nội chiến xảy ra.
Theo WFP, tại một số khu vực ở Yemen như Hodeida, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi đã tăng lên đến 31%. Theo một báo cáo hồi tháng 6/2006, 14,1 triệu người dân ở Yemen không có thực phẩm bổ dưỡng. Ở một số khu vực trong nước, 70% dân số phải chật vật kiếm ăn qua ngày.
Chương trình Lương thực Thế giới cho biết tổ chức này cần khoản tiền hơn 257 triệu USD để có thể viện trợ lương thực cho người dân Yemen cho tới tháng 3/2017.
Mục đích của WFP hiện tại là ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng ở người dân Yemen và điều trị cho khoảng 700 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai,...
Thiên An (Theo CNN)