Tổng thống Mỹ Obama một lần nữa đối diện với thực tế phức tạp, sau những cảnh báo cứng rắn các hành động khiêu khích của Moscow.
Với các diễn biến khó lường trước về cuộc đối đầu giữa người biểu tình và phe chính phủ Kiev, Washington liên tục để ngỏ khả năng ban hành lệnh trừng phạt mới đối với Moscow nếu điện Kremlin lặp lại những hành động như ở bán đảo Crimea. “Họ đã sẵn sàng làm những điều để kích động tình hình mà chẳng ai mong muốn xảy ra cả”, nhà phân tích khu vực ở Trung tâm Wilson Matthew Rojansky cho hay.
|
Bài toàn khủng hoảng Ukraine ngày càng xấu đi như vậy...
|
Đối với Tổng thống Obama, phản ứng của Mỹ trước cuộc khủng hoảng Ukraine đã trở thành bài kiểm tra về năng lực đối phó của ông trước các thách thức từ phía Nga. Điều này cũng đã từng được thử thách qua quyết định của ông hồi năm ngoái trong vấn đề Syria.
Với vấn đề Ukraine, ông Obama liên tục phát biểu, cuộc tiến công của Kremlin vào phía đông Ukraine (nếu có) sẽ là một sự “leo thang nghiêm trọng”, có thể khiến Nga nhận nhiều lệnh trừng phạt hơn nữa.
Tuy nhiên, với nỗ lực tránh một viễn cảnh Syria khác, các quan chức Nhà Trắng đã cẩn trọng xác định chính xác những gì mà ông Obama gọi là “leo thang nghiêm trọng”. Họ có lẽ đã có nhiều suy tính cẩn thận ngay cả khi tin rằng, Nga đang kích động bạo lực ở các thành phố khắp vùng đông Ukraine.
“Chúng tôi tích cực đánh giá những gì đang xảy ra ở miền đông Ukraine, những việc Nga đã làm”, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney hôm thứ 2 (14/4) phát biểu.
Với tình hình ở Syria, ông Obama có nhiều sự lựa chọn khả thi. Tuy nhiên, sự may mắn đó đã không còn sát cánh với ông trong vấn đề Ukraine, nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô và giờ đang tích cực gắn kết với châu Âu.
Vào hôm 14/4, Nhà Trắng bày tỏ quan điểm rằng, Mỹ hay châu Âu hầu như không thể can thiệp quân sự vào Ukraine bởi một số lý do về mặt pháp lý. Do vậy, họ chỉ có thể trông chờ vào các biện pháp trừng phạt về kinh tế và ngoại giao lên Nga.
|
... sẽ là một bài toán khó khăn đối với Tổng thống Obama?
|
Không phải Tổng thống Obama không có những phương án khác đối phó với Nga. Được biết, từ hồi cuối tháng 2 khi mà tình hình ở Ukraine biến chuyển xấu đi, ông cũng bắt đầu thực hiện một số biện pháp trừng phạt. Đơn cử, Washington đã công bố danh sách đen các quan chức thân cận của ông Putin, ngừng tư cách thành viên trong nhóm G8 của Nga hay trừng phạt một số cá nhân/tổ chức của nước này. Song, tới nay, chúng đã không mấy thành công trong việc ngăn chặn các bước tiến mới của Nga.
Với tình hình mới, khi mà hàng nghìn binh sĩ Nga được triển khai tới biên giới phía đông Ukraine, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang kiến nghị ông Obama cần đưa ra các hành động cứng rắn hơn nữa đối với Nga. Thượng Nghị sĩ Bob Corker đã gửi một lá thư lên Tổng thống Obama vào hôm cuối tuần để kêu gọi chính quyền ngay lập tức ban hành thêm nhiều trừng phạt kinh tế lên Moscow.
“Thay vì chờ cho một cuộc tiến công của Nga vào vùng miền đông Ukraine, chúng ta cần phải đưa ra các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nữa nhằm ngăn chặn trường hợp xấu nhất có thể xảy ra”, trích bức thư của ông Corker.
Trong khi đó, một số cố vấn của ông Obama cũng đang thúc đẩy cho quá trình ban hành lệnh phạt mạnh mẽ hơn lên Nga. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây đó là: Mỹ sẽ làm sao để cùng với châu Âu tìm ra một giải pháp ổn thỏa mà có thể làm thay đổi những toan tính của ông Putin.
Không giống như Mỹ, các quốc gia châu Âu lại có mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Nga. Song, các lãnh đạo của lục địa già quan ngại rằng, những lệnh trừng phạt lên Nga (do chính họ khởi xướng) sẽ là một đòn “gậy ông đập lưng ông”.
Thực sự, bài toán về việc giải quyết bất ổn Ukraine mà không làm “mất lòng” Nga sẽ khiến Tổng thống Obama phải “lao tâm khổ tứ” không hề ít.
Thanh Nga (theo DLS)