“Khủng bố tốt” và “khủng bố xấu”?

Google News

(Kiến Thức) - Những lời lẽ đẫm nước mắt của Zubeydat Tsarnaeva, mẹ của hai “nghi phạm khủng bố Boston", có thể làm mủi lòng một số người Mỹ.

 Trong con mắt của Zubeidat Tsarnaeva, hai con bà ta không phải là các phần tử khủng bố.

Trong khi Nga chống khủng bố tại Chechnya, những phụ nữ như thế này từng nói trước ống kính camera rằng chồng hoặc con trai của họ không có lỗi gì hết. Và các nhà báo Mỹ có vẻ tin lời họ. Kết quả là trên các phương tiện truyền thông Mỹ trong nhiều năm qua dày đặc bài viết về “những chiến sĩ đấu tranh cho tự do”, nhưng thực chất là những kẻ khủng bố.

Nhưng ở Boston thì lại khác: các nạn nhân bị giết trong cuộc tấn công khủng bố lại là người Mỹ. Và có thể, bây giờ ai đó ở Mỹ đã nhận thức được rằng không thể có những kẻ “khủng bố xấu" và "khủng bố tốt".

Tuần trước, trong cuộc giao lưu trực tuyến với nhân dân, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định: “Bản thân nước Nga cũng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố. Và tôi luôn luôn bất bình khi đối tác phương Tây và… các phương tiện truyền thông phương Tây gọi những kẻ khủng bố, những kẻ có hành vi khủng bố tàn bạo ở nước ta là ‘quân nổi dậy’. Và những kẻ khủng bố đó nhận được sự hỗ trợ thông tin, tài chính, chính trị - cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Sự hỗ trợ này luôn đi kèm với các hoạt động của họ trên lãnh thổ Liên bang Nga".

Bây giờ Mỹ đang tiến hành điều tra, vì lý gì mà các cơ quan tình báo Mỹ đã không lưu ý đến những lời cảnh báo của đồng nghiệp Nga rằng Tamerlan Tsarnaev là một kẻ cực đoan nguy hiểm. Các phóng viên báo New York Times đã khám phá ra rằng phía Nga đã gửi cho Mỹ hai yêu cầu. Đầu tiên, phía Nga đã cố gắng tiếp cận với FBI. Và khi FBI đã không phát hiện ra Tamerlane Tsarnaev có bất cứ điều gì nguy hiểm, cảnh báo về nguy cơ đó được gửi cho CIA. Nhưng cả cơ quan này cũng không tiếp nhận điều đó một cách nghiêm túc. Các cơ quan tình báo Mỹ rõ ràng không coi những kẻ cực đoan Bắc Caucasus là kẻ thù tiềm năng của Mỹ, mà giống như bạn bè.

Trong một thời gian dài, con đường đến Mỹ đã từng rộng mở trước các cựu chiến binh Bắc Caucasus, trong đó có những kẻ rất khét tiếng. Các yêu cầu của Moscow dẫn độ những kẻ này về Nga đã bị từ chối ngay từ đầu những năm 2000. Các quỹ của Mỹ hợp tác với các tên cựu khủng bố Chechnya như thế nào cũng không có gì là bí mật. Và tất nhiên, Washington chỉ mạnh mồm chống khủng bố trên lời nói mà thôi.

Ông Putin nói rằng “chính sách hai mặt” như vậy không tạo ra môi trường thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố: “Chúng tôi luôn luôn nói rằng không cần phải phô trương về một thực tế rằng đây là mối đe dọa chung. Điều cần làm là hợp tác với nhau. Hai tên tội phạm này là một cách tốt nhất xác nhận tính đúng đắn trong luận chứng của chúng tôi".

Hiện nay vẫn chưa rõ, liệu rốt cuộc có đi đến sự đồng thuận về khủng bố trên quy mô toàn cầu hay không. Hiện tại, phương Tây vẫn chỉ sẵn sàng lên án những kẻ đang dùng phương pháp khủng bố chống lại quyền lợi của phương Tây. Nếu từ cái nhìn đầu tiên, những lợi ích ấy không có gì bị đe dọa thì các phương tiện truyền thông phương Tây vẫn gọi những kẻ khủng bố ấy là “quân nổi dậy” hay “chiến sĩ đấu tranh vì tự do”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình (theo VOR)