Cuộc chiến giải phóng Mosul đang bước vào giai đoạn cuối cùng và nhóm khủng bố IS (nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo) chẳng sớm thì muộn sẽ bị xua đuổi khỏi thành phố này. Thế nhưng, những gì người ta chứng kiến là sự “biến đổi”, chứ không phải là sự sụp đổ của nhóm khủng bố IS.
|
Phiến quân IS. Ảnh: The Express Tribune |
T
rở lại hoạt động bí mật và đánh bom khủng bố
Thứ nhất, ở cấp độ chiến thuật, IS sẽ lui về hoạt động bí mật và thường dân dễ trở thành nạn nhân khủng bố. Các vụ đánh bom tự sát nhắm vào các mục tiêu mềm sẽ tăng lên cũng như tấn công người hành hương, đám tang và cơ sở hạ tầng.
Thật không may, ban lãnh đạo IS sẽ cảm thấy khá thoải mái với sự chuyển đổi này.
Ngày 24/2, phiến quân IS đã bị xua đuổi khỏi thành phố Al Bab, thành lũy cuối cùng của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ở miền bắc Syria. Ngày hôm sau, hai vụ đánh bom tự sát đã cướp đi 53 mạng sống ở thành phố này.
Cần nhớ rằng chiến dịch trấn áp nổi dậy năm 2007 đã thành công trong việc xua đuổi Al Qaeda ở Iraq (AQI) khỏi những nơi trú ẩn an toàn ở Baghdad và tỉnh Anbar. Tuy nhiên, bước thụt lùi chiến thuật này không bao giờ biến thành thất bại chiến lược.
Trận chiến với Mosul có thể đang ở giai đoạn cuối cùng, nhưng nếu hoàn cảnh tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan bảo kê và sinh kế cho các nhóm người dễ bị tổn thương, cuộc chiến ở Iraq vẫn còn tiếp diễn. Những động lực tạo ra các nhóm cực đoan vẫn còn như trước. Đó là sự kết hợp tàn bạo giữa đói nghèo và làn sóng bất mãn chính đáng của người Sunni đối với nhà nước Iraq do người Shiite chi phối.
Bị dồn ép và kháng cự quyết liệt ở Syria
Tác động thứ hai của việc giải phóng Mosul sẽ được cảm nhận ở Syria, nơi IS ngày càng cảm thấy sức dồn ép của Quân đội Syria, dân quân người Kurd và các lực lượng nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Mặc dù có rất nhiều trục trặc và cạnh tranh quyết liệt của các bên chống phiến quân IS, chiến dịch đánh chiếm Raqqa chắc chắn sẽ bước vào một giai đoạn mới.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do dân quân người Kurd cầm đầu đã lần lượt giải phóng nhiều ngôi làng xung quanh thành phố Raqqa và cắt đường tuyến đường cung cấp chính nối liên “thủ phủ” của Nhà nước Hồi giáo với Deir Az-Zor. Mục đích của chiến dịch đánh chiếm Raqqa là cô lập và bao vây IS ở từ tất cả các hướng.
Hơn nữa, cam kết của Mỹ khá rõ ràng: tạo ra vùng đệm ngăn chặn xung đột giữa các nhóm chống IS kình địch với nhau cũng như cung cấp vũ khí, lực lượng đặc nhiệm, hỗ trợ không quân và pháo binh cho SDF.
Cuối cùng, khi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo bị tấn công và xua đuổi khỏi “thủ phủ” Raqqa, phiến quân IS sẽ phân tán ra khắp Syria và các khu vực để tiếp tục kháng cự, cạnh tranh khốc liệt với mạng lưới khủng bố al-Qaeda đang âm thầm tích tụ và tăng cường binh lực.
Gia tăng hoạt động ở Châu Phi
Hàng ngàn công dân Bắc Phi đã đến Syria và Iraq để tham gia hàng ngũ ISIL (sau này đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo IS). Khả năng chuyển lửa về quê nhà của những kẻ thánh chiến này sẽ khiến cho cơ quan an ninh của các nước hữu quan “mất ăn, mất ngủ” và chắc chắn sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của al-Qaeda.
Tại Algeria, nơi sinh ra nhóm khủng bố Al Qaeda ở Bắc Phi (AQIM), có ít nhất hai nhóm thánh chiến đã cam kết trung thành với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Tại Tunisia và Libya, nơi các chi nhánh al-Qaeda đã “sâu rễ bền gốc”, sự xâm lấn của IS sẽ gây ra oán giận và cạnh tranh ảnh hưởng đẫm máu khốc liệt.
Phiến quân IS đã thách thức al-Qaeda ở các khu vực lân cận sa mạc Sahara, nơi có những ddowngf biên giới được canh gác lỏng lẻo và các tuyến đường buôn lậu sinh lợi. Do đó, vào tháng 11/2016, Nhà nước Hồi giáo ở Đại Sahara được thành lập và do Adnan Abu Walid al-Sahrawi cầm đầu. Tại Yemen, phiến quân IS đã xuất hiện ở tỉnh Hadramout vốn là cứ địa chính của Al Qaeda, với những vụ đánh bom liều chết ở Mukalla và Aden năm ngoái.
Chiến dịch giải phóng Mosul có thể đang bước vào giai đoạn cuối cùng, nhưng hoàn cảnh lại tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan bảo kê cho các nhóm cư dân dễ bị tổn thương, cuộc chiến chống IS sẽ phải đối mặt với nhiều hình thái khác và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.
Minh Châu (Theo Al Jazeera)