Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc ở Đại học Fudan là ông Cai Jian cho biết, Hàn Quốc có thể xem nước Đức là một ví dụ điển hình về thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ông này nghi ngại rằng, di sản Chiến tranh Lạnh được coi là trở ngại lớn trong giấc mơ thống nhất của hai miền Triều Tiên.
“Trong bối cảnh nước Đức thống nhất, đồng minh truyền thống của Đông Đức là Liên Xô đang lâm vào khủng hoảng. Do vậy, cường quốc này không thể hỗ trợ cho Đông Berlin. Vô hình, đó lại là một điểm lợi thế giúp hai miền nước Đức thống nhất”, học giả họ Cai viết trong bài viết đăng tải trên tờ Global Times.
|
Giấc mơ thống nhất hai miền bán đảo Triều Tiên mãi xa vời.
|
Vị chuyên gia này bày tỏ: “Trong khi đó, bán đảo Triều Tiên vẫn còn bị bao phủ bởi “bóng ma” quá khứ tới từ chiến tranh Lạnh. Các bên liên quan tới vấn đề này trong khu vực (gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản) lại đang trong cuộc chiến khốc liệt. Vì vậy, việc thống nhất bán đảo liên Triều chưa bao giờ là vấn đề của riêng hai nước (đó là Hàn Quốc và Triều Tiên). Thực tế, đó là một vấn đề quốc tế bao trùm lên toàn bộ cục diện của Đông Bắc Á”.
Hàn-Triều hiện vẫn trong một cuộc chiến, vốn khởi nguồn từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Việc thống nhất dường như còn rất xa vời chưa kể mối quan hệ giữa hai nước luôn trong trạng thái căng thẳng gây nên bởi chính tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Vào hồi cuối năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra quyết định hành hình người chú Jang Song-thaek. Đây được coi là một cuộc thanh trừng chính trị mạnh mẽ, làm dấy lên quan ngại về sự bất ổn trong hàng ngũ lãnh đạo cốt cán ở quốc gia bí ẩn này. Tình hình càng thêm xấu đi khi ông Jong-un tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách tiến quân.
|
Vụ xử tử Jang Song-thaek là một biến động lớn trong chính trường Triều Tiên, làm dấy lên nhiều quan ngại.
|
Tuy nhiên, trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thể hiện cam kết mạnh mẽ để thống nhất hai miền. Bà hi vọng, điều đó sẽ đem lại hạnh phúc cho toàn bộ người dân hai nước và là cơ hội “để tạo ra bước nhảy vọt trong kinh tế”.
Học giả Cai chỉ ra rằng, những thanh niên trẻ tuổi Hàn Quốc lại chẳng mấy bận tâm tới “giấc mơ mãi xa đó”. Trên thực tế, họ lại lo ngại về những tác động kinh tế một khi hai miền “cùng vui một nhà”.
“Tình hình trong nước phức tạp cũng lan tràn khắp hai miền. Tây Đức đã có sự chuẩn bị kĩ càng từ trước 1990 để tiến tới việc thống nhất hai miền. Trong khi đó, niềm tin, sự ủng hộ trong nội bộ dân chúng Hàn Quốc đã sụt giảm trong thời gian gần đây. Thông qua các cuộc thăm dò dư luận, vào năm 1997, 71% người dân Hàn Quốc muốn thống nhất. Sang năm 2010, con số này giảm xuống còn 57%. Tuy nhiên, bước sang năm 2013, chỉ 25% dân chúng ủng hộ ước mơ thống nhất này mà thôi”, ông Cai nói.
Thanh Nga (theo Yonhap)