Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, gọi các “đảo nhân tạo” là những tiền đồn tiềm năng của Quân đội Trung Quốc.
|
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.
|
Tuy không phủ nhận việc sẽ sử dụng các tiền đồn này vào mục đích quân sự, nhưng Bắc Kinh lại nhấn mạnh “khía cạnh dân sự” như cung cấp dịch vụ công cộng: cứu nạn hàng hải, phòng chống thiên tai và quan sát khí tượng.
Các ứng dụng quân sự tiềm năng của các “đảo nhân tạo” của Trung Quốc là gì và chúng gây ra những mối đe dọa nào?
Xây dựng chuỗi tiền đồn khống chế nam Biển Đông
Đầu tiên, các tiền đồn trong chuỗi “đảo nhân tạo” mà Bắc Kinh bồi đắp ở Quần đảo Trường Sa của Việt Nam chắc chắn sẽ được trang bị hệ thống radar và thiết bị do thám điện tử để tăng cường khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của Trung Quốc. Đường băng dài 3.000 mét mới xây dựng trên Đá Chữ Thập cho phép hầu như tất cả các loại máy bay mà Trung Quốc hiện có hạ cất cánh. Trung Quốc đang xây dựng nhiều nhà chứa máy bay dành cho các chiến đấu cơ chiến thuật trên Đá Chữ Thập.
|
Trung Quốc xây dựng xong đường băng 3.000m trên Đá Chữ Thập.
|
Đô đốc Harris nhận xét: "Một đường băng dài 3.000 mét là đủ lớn để máy bay ném bom chiến lược B-52 hạ cất cánh, gần như đủ lớn cho các tàu vũ trụ con thoi và dài hơn 900 mét so với đường băng dành cho máy bay chở khách phản lực khổng lồ Boeing 747”.
Đường băng này có thể làm nơi cất hạ cánh của các loại máy bay giám sát, cảnh báo sớm trên không , máy bay không người lái, máy bay vận tải, máy bay tiếp dầu và máy bay chiến đấu. Tùy thuộc vào các hệ thống được triển khai trên các “đảo nhân tạo”, Trung Quốc có khả năng giám sát hầu hết Biển Đông 24/24 tiếng đồng hồ và 7 ngày trong một tuần.
Những tiền đồn mới trong quần đảo Trường Sa sẽ mang lại cho Trung Quốc lợi thế vượt trội so với các nước láng giềng ven Biển Đông và đặt ra những thách thức to lớn cho hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.
Tạo tiền đề cho Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông
Trung Quốc có thể tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một phần hoặc tất cả các khu vực nằm trong cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” trái với luật pháp quốc tế. Để thực thi ADIZ, Trung Quốc cần có một số đường băng tại các địa điểm khác nhau ở Biển Đông.
|
Trung Quốc đã kéo dài đường băng trên đảo Phú Lâm ở Quần đảo Hoàng Sa từ hơn 2.000 mét lên gần 3.000 mét. |
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc có thể chuẩn bị xây dựng thêm một đường băng dài 3.000 mét nữa trên “đảo nhân tạo” Đá Xu Bi ở Quần đảo Trường Sa.
|
Trung Quốc có thể xây dựng một đường băng 3.000m nữa trên Đá Xu Bi.
|
Trong tháng 11/2013, Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Vào thời điểm đó, một thiếu tướng Trung Quốc nói rằng từ lâu Quân đội Trung Quốc (PLA) đã có kế hoạch thành lập ADIZ trên tất cả các vùng biển gần - bao gồm Biển Hoa Đông, Hoàng Hải và Biển Đông.
Mở rộng phạm vi chống tiếp cận
Trung Quốc có khả năng sẽ sử dụng các tiền đồn ở Quần đảo Trường Sa để mở rộng khu vực chống tiếp cận xa hơn về phía nam và phía đông đến các vùng biển Philippines và Biển Sulu. Các đường băng trên Biển Đông sẽ cho phép lục quân, hải quân và không quân Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay chiến đấu đóng trên đất liền và đảo Hải Nam bao quát toàn bộ Biển Đông và xa hơn nữa. Khả năng quan sát và ứng phó của Trung Quốc đối với các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực sẽ được tăng lên đáng kể. Máy bay của Trung Quốc có thể đánh chặn máy bay Mỹ ở cách xa bờ biển Trung Quốc. Thời gian cần thiết để máy bay, tàu chiến Trung Quốc đến eo biển Malacca, trong trường hợp xảy ra một cuộc phong tỏa, sẽ giảm đáng kể.
Theo Đô đốc Harris, Trung Quốc hiện chưa triển khai tên lửa hành trình và thiết bị dẫn hướng trên các “đảo nhân tạo”, nhưng nước này có thể triển khai trong tương lai gần cùng với tên lửa đất-đối-không. Ngoài ra, các bến cảng tại Đá Chữ Thập khá phù hợp với tàu ngầm hơn các cảng nước nông ở đảo Hải Nam. Chỉ cách một vài cây số từ mép “đảo nhân tạo”, độ sâu của biển đã lên tới 2.000 mét.
Nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự lớn, các “đảo nhân tạo” và các công trình quân sự trên đó dễ bị tấn công. Nhưng trong thời bình và một cuộc khủng hoảng nhỏ, các tiền đồn ở Quần đảo Trường Sa sẽ mang lại cho Trung Quốc khả năng giữ quân đội Mỹ ở xa hơn so với khoảng cách hiện nay.
Điều này có thể ảnh hưởng đến việc Mỹ bảo vệ Đài Loan. Một cụm tàu sân bay tấn công của Mỹ từ vịnh Ả-rập hoặc Ấn Độ Dương viện trợ Đài Loan sẽ phải đi qua Biển Đông.
Mưu toan xua đuổi các bên tranh chấp khỏi Quần đảo Trường Sa
Trong trường hợp Trung Quốc quyết định đánh bật các bên tranh chấp khác khỏi Quần đảo Trường Sa, các tiền đồn này quả là những đầu cầu nguy hiểm. Máy bay trực thăng, tàu đổ bộ và pháo binh cơ động của Trung Quốc có thể được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào các vùng đất gần các “đảo nhân tạo”.
|
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ngăn cản tàu thuyền Philippines cho lính thủy đánh bộ đồn trú ở Bãi Cỏ Mây.
|
Ngoài ra, Trung Quốc có thể gây áp lực, buộc các bên tranh chấp phải từ bỏ một số tiền đồn. Quân đội Trung Quốc có thể bao vây phong tỏa, làm gián đoạn hoạt động tiếp tế đến các tính năng bị cô lập và thiếu khả năng tự vệ như Bãi Cỏ Mây, nơi thủy quân lục chiến Philippines đang đồn trú trên một chiếc tàu đổ bộ mục nát có từ thời Chiến tranh thế giới thứ II. Hồi đầu năm 2014, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hai lần ngăn chặn tàu dân sự Philippines tiếp tế cho đơn vị thủy quân lục chiến ở Bãi Cỏ Mây.
Minh Châu (Theo Lowyinterpreter.org)