Sự sụp đổ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Mosul - thành phố lớn thứ hai của Iraq - sẽ tạo ra một khoảng trống lớn mà không có kế hoạch dự phòng nào có thể lấp đầy.
|
Cảnh sát Iraq giơ hai ngón tay biểu tượng chiến thắng ở thành phố Mosul. Ảnh: REUTERS |
Trong số các bên đánh bại phiến quân IS sẽ quay ra đấu đá lẫn nhau có các đơn vị chống khủng bố dưới sự kiểm soát của Thủ tướng Iraq; quân đội dưới sự chỉ huy luân phiên của các Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ ở Baghdad; các nhóm dân quân Shiite khác nhau của Các đơn vị Huy động Nhân dân liên kết với Iran; dân quân Peshmerga của Đảng Dân chủ Kurdistan cầm quyền tại Khu tự trị Kurdistan ở miền bắc Iraq; các tay súng Peshmerga của Liên minh Yêu nước Kurdistan đối địch và một số bộ lạc Sunni trong khu vực.
“Quyền tự trị”
Người Kurd ở miền bắc Iraq hiện có cơ hội thiết lập quyền tự trị. Do đó, họ đã lên kế hoạch trưng cầu dân ý vào ngày 25/9/20147. Việc bỏ phiếu về vấn đề này sẽ được tổ chức tại các vùng lãnh thổ của người Kurd, cũng như các khu vực tranh chấp giàu dầu mỏ như Kirkuk.
Miền bắc và miền đông Syria hiện đang có vấn đề tương tự như ở khu vực trong và xung quanh Mosul.
Chẳng sớm thì muộn, phiến quân IS cũng sẽ bị thất thủ ở thành phố Raqqa. Gánh nặng chính của cuộc tấn công đánh chiếm Raqqa được đặt lên vai Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), trong đó các chiến binh của Liên minh Dân chủ Kurdistan (PYD) giữ vai trò nòng cốt. PYD hiện kiểm soát ba khu vực ở Syria và coi đó là lãnh thổ của họ. Người Kurd ở Syria cũng muốn có quyền tự trị, thậm chí còn đòi độc lập.
Mỹ đã sử dụng người Kurd như một công cụ trong cuộc chiến chống IS, cung cấp cho họ vũ khí và thông tin tình báo. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của Mỹ trong NATO - lại chính thức coi PYD là một nhóm khủng bố nguy hiểm hơn IS vì có liên hệ với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK).
Người Kurd có thể sử dụng việc đánh chiếm Raqqa để cải thiện vị thế đàm phán của họ. Nhưng quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đủ mạnh để Washington ngăn cản người Kurd thực hiện dự án quyền tự chủ, sau khi IS bị đánh đuổi khỏi khu vực tây bắc Syria.
Những vấn đề sủi tăm sẽ sôi lên sùng sục
Dân quân Shiite chủ yếu chiến đấu ở phía tây Mosul và cắt đường cao tốc nối thành phố lớn thứ hai của Iraq này với Syria. Trên lý thuyết các nhóm dân quân Shiite sẽ bị giải thể, sau khi Iraq đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, một số nhóm dân quân Shiite - đặc biệt là những nhóm lớn - sẽ chống lại việc giải thể và tìm kiếm những lãnh địa mới, có thể dọc biên giới Iraq-Syria.
Ước tính có khoảng 100.000 dân quân Shiite đang chiến đấu ở Iraq và có mối quan hệ rất chặt chẽ với Iran, nước có ảnh hưởng lớn đối với Baghdad.
Nhiều vấn đề đang sủi tăm ở trong và xung quanh Raqqa cũng như ở nhiều khu vực thuộc tỉnh Deir Ezzor do phiến quân IS vẫn còn kiểm soát. Tỉnh Deir Ezzor giàu dầu mỏ và có ý nghĩa chiến lược chính là đấu trường quyết liệt trong tương lai giữa các liên minh chống IS. Một bên là Quân đội chính phủ Syria, các lực lượng được Iran ủng hộ và máy bay chiến đấu Nga. Bên kia là lực lượng đặc biệt Mỹ và các tay súng trong SDF chống chế độ Assad. Nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa hai liên minh này đang tăng lên từng giờ.
Vụ máy bay Mỹ bắn hạ cường kích Su-22 của Syria, các cuộc đụng độ giữa SDF và các đơn vị Quân đội Syria tiến về hướng Deir Ezzor cũng như việc tên lửa phòng không Nga đặt máy bay liên quân vào tầm ngắm…là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình hình sẽ trở nên đối đầu hơn.
Những mâu thuẫn cơ bản này đang bị che giấu bởi thực tế là các bên đang cùng nhau chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhưng sau khi IS bị đánh bại, những vấn đề đang sủi tăm nói trên sẽ trở nên sôi sùng sục.
Minh Châu (Theo DW)