Tạp chí The Diplomat đưa tin, dưới thời Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo, Indonesia mở chiến dịch trấn áp hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước này. Theo ông Widodo, mỗi năm, Indonesia tổn thất hơn 20 tỷ USD bởi hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp.
Đây chính là lý do tại sao Indonesia đánh chìm tàu cá của các quốc gia láng giềng trong năm 2015, bất chấp sự quan ngại của các nước.
|
Ảnh Flickr/JenJoaquin.
|
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia, từ tháng 10/2014, Indonesia đã bắt giữ 157 tàu cá, trong đó 121 chiếc đã bị đánh chìm.
Trong tuần đầu của năm 2016, tờ The Jakarta Post đưa tin, 57 tàu cá bị bắt giữ có thể sớm bị đánh chìm. Trong đó, 12 tàu được xác nhận sẽ bị đánh chìm tiếp theo, 45 chiếc còn lại đang trải qua thủ tục tố tụng pháp lý.
Trong 57 tàu có 18 tàu Indonesia, 19 tàu Việt Nam, 12 tàu Malaysia, 5 tàu Philippines và 3 tàu Thái Lan.
Theo dữ liệu của Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia, trong số 121 tàu bị đánh chìm từ tháng 10/2014 có 107 tàu bị phá hủy vào nửa đầu năm 2015.
Ông Geonaryo - giám đốc bộ phận tàu thuyền của Lực lượng theo dõi Ngư nghiệp và Hàng hải – nhắc lại rằng, Indonesia sẽ thắt chặt các biện pháp đối phó với hành vi đánh bắt cá trái phép. Mặc dù Luật Ngư nghiệp năm 2009 tạo cơ sở pháp lý cho Jakarta thực thi biện pháp trấn áp, Geonaryo cho biết, điều luật đã được sửa đổi cho phép chính quyền Indonesia đánh chìm những thuyền cá bị bắt giữ. Ông nói thêm, việc bàn giao tàu bị bắt giữ cho các nước láng giềng đến khi thủ tục tố tụng pháp lý được hoàn thành không mang lại kết quả.
Năm ngoái, Bộ trưởng Ngư nghiệp và Hàng hải Indonesia Susi Pudjiastuti nói rằng, trước giờ Jakarka vẫn quá “khoan dung” và nước này đang cân nhắc biện pháp đánh chìm tàu “tại chỗ” chỉ cần sự cho phép của tòa án.
Thiên An (Theo Diplomat)