Kế hoạch này liên quan đến khu vực Biển Đông thuộc Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh quần đảo Natuna, nằm ở phía tây bắc đảo Borneo thuộc Indonesia.
|
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) trên chiến hạm KRI Imam Bonjol tại vùng biển Natuna. Ảnh Reuters |
Ông Ahmad Santosa, Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 115 - cơ quan chống đánh bắt cá bất hợp pháp của Indonesia, cho biết đề xuất này sẽ “được gửi tới Liên Hợp Quốc". Ông Santosa nói thêm: “Nếu không có sự phản đối nào... thì Biển Natuna sẽ chính thức được công nhận”.
Thị trưởng quần đảo Natuna, ông Hamid Rizal, cho biết việc đổi tên nhằm giúp mọi người nhận thức là khu vực biển này thuộc về Indonesia và cũng là để giúp chống đánh bắt cá trái phép và không theo quy định trong vùng biển của Indonesia.
Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố khu vực biển xung quanh quần đảo Natura là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc. Tại vùng biển Natuna, nơi Trung Quốc luôn tự nhận là “ngư trường truyền thống”, thường xuyên xảy ra tình trạng đánh bắt trái phép.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Hàng hải, bà Susi Pudjiastuti, cho biết: “Miễn là cá đang bơi trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, thì chúng là cá Indonesia. Nếu ai khác đánh bắt chúng, đó là bất hợp pháp”.
Bộ trưởng Susi Pudjiastuti cho biết Indonesia chỉ có một thỏa thuận về quyền đánh bắt cá với Malaysia tại Eo biển Malacca. Bà cũng nhấn mạnh rằng Indonesia không công nhận bất kỳ “ngư trường truyền thống nào”, ám chỉ đến những đòi hỏi của Trung Quốc trong vùng biển Natuna.
Ngoài ra, Bộ trưởng Susi còn tham dự buổi lễ khởi công xây dựng một trại giam dành riêng cho tội phạm đánh cá trái phép, với sức chứa từ 300-500 người. Công trình được dự kiến hoàn thiện trước cuối năm 2016.
|
Indonesia cho nổ tung một tàu cá nước ngoài bị bắt khi đánh cá trái phép trong vùng biển nước này. Ảnh EPA |
Theo nhật báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (South China Morning Post – SCMP), nhân kỷ niệm 71 năm ngày Quốc khánh 17/8, chính quyền Indonesia đã đánh chìm 60 tàu đánh cá, trong đó có đến 58 tàu đánh nước ngoài, vì đánh bắt trái phép.
Kể từ tháng 12/2014, Bộ Thủy sản và Hàng hải Indonesia đã đánh chìm tổng cộng 236 tàu cá nước ngoài, với lý do “đánh bắt bất hợp pháp”.
Minh Châu (Theo Kyodo/SCMP)