Hy Lạp nhấn chìm “giấc mộng gia nhập EU” của Ukraine

Google News

Khủng hoảng nợ Hy Lạp nhấn chìm giấc mộng gia nhập EU của Ukraine, khi khối này ngày càng khó chịu với đòi hỏi “cứu trợ” từ phía Kiev.

Ukraine đã yêu cầu các chủ nợ quốc tế chấp nhận giảm 40% số nợ hoặc cắt bớt đi 23 tỷ USD trong tổng số nợ hơn 50 tỷ USD, nhưng không được các chủ nợ chấp thuận. Trong khi đó, khủng hoảng nợ Hy Lạp có nguy cơ nhấn chìm giấc mộng gia nhập EU của Ukraine, khi khối này ngày càng khó chịu với đòi hỏi “cứu trợ” ngày càng nhiều từ phía Kiev.
Hy Lap nhan chim “giac mong gia nhap EU” cua Ukraine
"Giấc mộng gia nhập EU" ngày càng trở nên xa vời đối với Ukraine.
Nếu không có tiến triển gì tại cuộc đàm phán này, Ukraine có thể tuyên bố tạm ngừng hoạt động trả nợ, tiến tới việc “vỡ nợ” một cách toàn diện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, những người nắm giữ trái phiếu của Ukraine có quyền yêu cầu trả lại toàn bộ số tiền ngay lập tức.
Ukraine đang tìm kiếm một khoản tiền khoảng 15,3 tỷ USD nhằm bù đắp cho ngân sách bị thiệt hại bởi cuộc xung đột tại miền đông đất nước.
Ukraine có thể vỡ nợ vào tháng Bảy?
Ngày 25/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine Natalie Jaresko phát biểu với báo giới rằng, Ukraine có thể thông báo vỡ nợ vào cuối tháng Bảy.
Trong tháng 5/2015, Nghị viện Ukraine đã thông qua một điều luật cho phép Chính phủ Kiev có quyền trì hoãn thanh toán các khoản nợ mà quốc gia này đang nợ nước ngoài. Luật này sẽ có hiệu lực cho tới 1/7/2016. Việc không đủ khả năng để trả nợ cũng đồng nghĩa với tình trạng vỡ nợ của Ukraine.
Hiện tại, nền kinh tế Ukraine bị tổn hại nặng nề bởi cuộc xung đột giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy ở miền đông đất nước. Theo ước tính, Ukraine đang nợ 50 tỷ USD, trong đó có 30 tỷ USD là nợ quốc tế, bao gồm cả khoản nợ Nga 3 tỷ USD. Ngày 22/6 vừa qua, Ukraine mới trả được 75 triệu USD trong số nợ 3 tỷ này.
Những con số tồi tệ về nợ nần khiến Hiệp hội Doanh nghiệp Ukraine cuối tháng trước lên tiếng đòi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và chính phủ hiện hành từ chức.
“Các chính sách phản quốc gia, phản Ukraine của chính phủ hiện tại đang đưa đất nước đến cảnh vỡ nợ. Do sự thiếu chuyên nghiệp của chính quyền, khối nợ của Ukraine đã lần đầu tiên vượt mức GDP của quốc gia và lên đến 110,5%”, tổ chức này cho biết.
Hiệp hội Doanh nghiệp Ukraine thông báo: Nợ công của Ukraine hiện chiếm khoảng 100% GDP, phần lớn trong số đó phải trả bằng ngoại tệ. Vốn đã không bền vững, gánh nặng nợ của Ukraine có xu hướng tăng lên: trong quý đầu năm 2015, GDP của Ukraine giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Với gần 6 tỷ USD nợ nước ngoài sẽ đến kỳ phải trả vào năm 2016, trong khi dự trữ ngoại tệ của Ukraine chỉ có khoảng 10 tỷ USD.
Bất chấp việc ngân hàng trung ương đưa ra lãi suất 30% – mức cao nhất trên thế giới – nhưng đồng hryvnia, đồng tiền của Ukraine, vẫn dễ lung lay. Nếu nó mất giá thì việc trả lãi nợ nước ngoài thậm chí sẽ trở nên khó khăn hơn.
Thực tế này đang đẩy “giấc mộng” gia nhập EU của Ukraine trở nên xa vời khi The Economist ngày 30/6 đánh giá người dân Ukraine nghèo hơn cả giai đoạn trước khi Liên Xô sụp đổ.
Vung tiền mua vũ khí, vực dậy quân đội
Ukraine liên tục tăng quân trong cuộc nội chiến với lực lượng miền Đông. Tổng thống Petro Poroshenko mới đây thông báo: “Số binh lính của quân đội chính phủ được triển khai đến xung đột miền đông Ukraine đã vượt qua 60.000 người”.
Ngoài việc tăng quân, Chính quyền Ukraine còn vung tiền để mua sắm những loại vũ khí hiện đại, cải thiện hỗ trợ hậu cần và huấn luyện binh sĩ theo tiêu chuẩn phương Tây với sự giúp đỡ của các cố vấn nước ngoài.
Vào hôm 25/6, Tổng thống Ukraine đã ký sắc lệnh sửa đổi luật cho phép binh lính nước ngoài được xuất hiện tại Ukraine và thậm chí, còn “bật đèn xanh” cho các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt được triển khai đến đây.
Ukraine đang nỗ lực tổng động viên càng nhiều binh lính càng tốt và đưa họ đến chiến đấu tại miền đông. Tuy nhiên, do không được huấn luyện quân sự đúng đắn, binh lính Ukraine đang bị thương vong với số lượng lớn trên chiến trường.
Nhiều tờ báo của Nga và Pháp đưa nhận định, chỉ khoảng 1/3 số lính của Ukraine có thể chiến đấu, số còn lại chỉ là bia đỡ đạn. Kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc xung đột quân sự tại Donbass, khoảng 10.000 binh lính Ukraine đã thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương.
Tờ Nations Presse của Pháp dự đoán: “Với tốc độ này, chỉ một năm nữa, quân đội Kiev sẽ chẳng còn người mà chiến đấu”.
Brussels ngán ngẩm
Nhiều nước EU đã tỏ rõ sự khó chịu với Ukraine khi Kiev luôn lấy lý do “nội chiến” hay “chống Nga” để đòi “bơm tiền”. Tình trạng hiện nay giống như việc EU đã vô tình mắc bẫy và trở thành “con tin” của Ukraine khi liên tục bị đòi hỏi phải đáp ứng các điều kiện và “nộp tiền chuộc”.
Trong khi đó, chính bản thân EU cũng đang phải đau đầu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.
Chuyên gia Alexander Mikhailov, ủy viên Hội đồng Ngoại giao và Chính sách quốc phòng của Nga nói: “Châu Âu đang bất lực với Hy Lạp nhưng trường hợp Ukraine còn nguy hiểm hơn. Hiện nay châu Âu chỉ còn hai lựa chọn: Tiếp tục mở hầu bao để chu cấp thêm tài chính cho Ukraine, hoặc là bỏ rơi, buộc Kiev phải tự giải quyết lấy vấn đề của mình”.
Không chỉ Nga, giới phân tích Châu Âu cũng nhìn nhận: “Bơm tiền cho Ukraine cũng chẳng thay đổi được gì. Chính quyền của ông Poroshenko ngày càng bộc lộ nhược điểm: quá chú trọng vào Mỹ và chẳng giải quyết nổi bất ổn trong nội bộ chính quyền Kiev.Vì vậy mà châu Âu đang ở trong thế khó xử. Một mặt, họ không có nhiều khả năng để hỗ trợ Ukraine về tài chính, nhưng mặt khác, họ ngày càng cảm thấy mình “chỉ có lỗ” trong khoản đầu tư vào Ukraine”.
Kiev Post ngày 1/7 dẫn lời chuyên gia Mỹ Brian Meffort, người có thâm niên 15 năm nghiên cứu về Ukraine nói rằng: “Giờ đã đến lúc Kiev phải tỉnh giấc mộng gia nhập EU khi những vấn đề hậu Maidan không còn là trọng tâm của thế giới. Bởi càng đề cập, EU sẽ càng xua Ukraine như thể xua ruồi”.
Theo VOV.VN