Các nhà lãnh đạo của cao nhất của Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của nhóm G7 từ ngày 11/6 đến ngày 13/6.
Ngoài các thành viên chính thức, phiên họp còn có sự góp mặt của bốn quốc gia khách mời là Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Nam Phi, theo Washington Post.
Diễn ra tại Cornwall (Anh) trong ba ngày, cuộc gặp là dịp để những nền kinh tế hàng đầu thế giới bàn thảo về định hướng chiến lược trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, nhiều chủ đề nóng được dự đoán bao trùm chương trình nghị sự.
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden chạm khuỷu tay với phu nhân của Thủ tướng Anh Boris Johnson - bà Carrie Johnson, kế đó là Thủ tướng Boris Johnson và Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh ngày 11/6. Ảnh: Reuters. |
Chia sẻ vaccine, phục hồi sau đại dịch và ứng phó biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh nhiều thành viên nhóm G7 sẽ hoàn thành chương trình tiêm chủng cho người trưởng thành trong vài tháng tới, các quốc gia tham dự hội nghị đứng trước áp lực chia sẻ nguồn vaccine Covid-19 cho các quốc gia đang phát triển.
Trước đó, hơn 100 cựu lãnh đạo trên thế giới đã thúc giục G7 chi trả 2/3 phi chí tiêm chủng, trong tổng số 66 tỷ USD, cho các nước thu nhập thấp. Ngoài ra, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng kêu gọi các quốc gia G7 tài trợ 20% nguồn cung vaccine Covid-19 cho tổ chức này vào tháng 8.
Bên cạnh đó, hội nghị nhiều khả năng tập trung vào bàn thảo triển vọng và cách thức phục hồi nền kinh tế thế giới sau đại dịch.
Vào tháng 5, trong một báo cáo do chính phủ Anh tài trợ, cơ hội duy nhất để tái thiết nền kinh tế là G7 sẽ đầu tư chuyển đổi nguồn năng lượng theo hướng thân thiện với môi trường. Chi phí dự tính của quá trình này lên đến 10 nghìn tỷ USD.
Trên thực tế, dù tất cả quốc gia đều nhận thức được thách thức về biến đổi khí hậu, lãnh đạo các nước G7 đứng trước kỳ vọng phải thông qua được các chính sách cụ thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.
Theo đó, Thủ tướng Anh Johnson hy vọng thúc giục các nhà lãnh đạo ký vào một “Kế hoạch Marshall” về khí hậu. Chương trình này có nội dung tài trợ cho nhiều dự án năng lượng tái tạo ở các quốc gia đang phát triển khu vực châu Phi và châu Á, theo Times.
Tại sự kiện lần này, các nước khách mời cũng đứng trước áp lực ký vào cam kết đạt mức phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050. Khác với các thành viên G7, Autralia, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc hiện tại đều chưa thông qua cam kết này.
Các quy định về thuế, Trung Quốc và Brexit
Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra, các quốc gia G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về thuế hôm 5/6. Quy định này nhằm áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu, với mục đích chấm dứt tình trạng các công ty chuyển ra nước ngoài để tránh nghĩa vụ thuế.
|
Các đại diện G7 đã thống nhất một thỏa thuận lịch sử về quy định thuế trong được tổ chức vào ngày 5/6. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, thỏa thuận trên mới chỉ là bước khởi đầu. Nhóm G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cần thông qua thoả thuận. Sau đó, quy trình viết lại các điều khoản về thuế cũng tương đối dài và phức tạp.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng cần bàn thảo thêm về mức thuế tối thiểu 15% và tìm ra giải pháp để tất cả quốc gia chấp thuận quy định mới.
Hồi tháng 5, các đại diện thương mại của nhóm G7 đều tin tưởng rằng “thương mại tự do và công bằng là nguyên tắc và mục tiêu nền tảng của một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ”.
Không chỉ vậy, Tổng thống Biden dự kiến hướng sự quan tâm của Hội nghị vào việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng quan hệ thương mại để trừng phạt các quốc gia khác. Chính quyền Johnson cũng đã kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thay đổi các quy định của tổ chức, trong đó lưu ý đến các trường hợp như Trung Quốc.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng sẽ bàn thảo về vấn đề liên quan đến tiến trình Brexit và Nghị định thư Bắc Ireland. Theo đó, Tổng thống Biden và các lãnh đạo châu Âu khác có thể sẽ gây áp lực buộc chính quyền Johnson tuân thủ các cam kết trước đó của Nghị định thư.
Bắc Ireland là phần lãnh thổ duy nhất của Vương quốc Anh tiếp giáp với một quốc gia châu Âu (Cộng hòa Ireland). Nghị định thư Bắc Ireland bảo đảm vùng lãnh thổ này vẫn ở lại thị trường chung châu Âu giai đoạn hậu Brexit.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ "quan tâm sâu sắc về vấn đề Bắc Ireland”. Dù vậy, ông nói thêm rằng vấn đề này không ảnh hưởng tới một hiệp định thương mại tư do được đề xuất giữa Anh và Mỹ, theo BBC.
Nga và Belarus
Trước khi đến Anh, Tổng thống Biden cho biết một trong những mục tiêu của ông tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này là đoàn kết các quốc gia chống lại các nhà nước chuyên quyền.
Ông Biden khẳng định các nước phương Tây sẽ “đoàn kết để giải quyết những thách thức từ Nga đối với an ninh châu Âu, bắt đầu từ Ukraine”. Đồng thời, ông cũng cảnh báo nếu Nga tiến hành "các hoạt động phá hoại", nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả "nghiêm trọng".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ông Biden chuẩn bị gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên trên cương vị mới. Cuộc gặp sẽ diễn ra ít ngày tới tại Geneva sau Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Bên cạnh đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng có thể là tâm điểm chỉ trích của hội nghị. Bất chấp các cuộc biểu tình lớn trong nước, nhà lãnh đạo được ông Putin ủng hộ đã không từ chức.
Thay vào đó, Tổng thống Lukashenko hướng mối quan tâm của lực lượng an ninh Belarus sang các nhà hoạt động bất đồng chính kiến. Ngày 23/5, nước này đã ép một chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống thủ đô Minsk để bắt giữ nhà báo đối lập Roman Protasevich.
|
Nga và Belarus cũng sẽ là những nội dung bàn thảo quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters. |
Các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Belarus dự kiến được bàn thảo trong những phiên họp của G7. Vào tháng 5, quan chức chính phủ Anh cho biết G7 sẽ thảo luận về các "hành vi liều lĩnh và nguy hiểm của Belarus", nhưng từ chối mời các nhân vật đối lập tham dự sự kiện này theo đề xuất của Pháp.
Xây dựng lại các mối quan hệ quốc tế
Chuyến bay của Tổng thống Biden đến Cornwall đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách người đứng đầu nước Mỹ. Không chỉ vậy, Hội nghị Thượng đỉnh lần này còn là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các lãnh đạo cấp cao G7 từ nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump.
Trọng tâm trong chương trình nghị sự của chính quyền Biden là hàn gắn và củng cố quan hệ với các đồng minh Mỹ, sau bốn năm nước này áp dụng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
"Mỹ đã trở lại", ông Biden nói. "Các nền dân chủ trên thế giới đang sát cánh cùng nhau để giải quyết những thách thức khó khăn và quan trọng nhất đối với tương lai của chúng ta", ông cho biết.
“Quan hệ đồng minh của chúng ta không xây dựng bằng sự ép buộc, cũng như không duy trì bằng mối đe dọa. Chúng dựa trên lý tưởng dân chủ, tầm nhìn chung về tương lai, nơi mọi tiếng nói đều quan trọng", ông Biden khẳng định.
"Chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ để chứng minh rằng vẫn có thể mang nền dân chủ đến người dân của chúng ta", ông Biden cho biết.
Theo Phạm Ân/Zingnews.vn