Học giả Trung-Mỹ tranh cãi nảy lửa về Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Giới học giả Trung Quốc hiếu chiến nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không nghe theo Washington về việc làm thế nào để đối phó với Triều Tiên.

 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Mạng Duowei News của Hoa kiều gần đây đã đăng tin về một diễn đàn được Trung tâm quan hệ Mỹ-Trung của Đại học Thanh Hoa và Project 2049 Institute của Mỹ đồng tổ chức. Diễn đàn này thảo luận về căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Nhiều học giả của phe diều hâu Trung Quốc (hoặc còn được gọi là “quân sự cánh tả”) đã tranh luận nảy lửa với các đối tác Mỹ về cách thức mà Bắc Kinh và Washington đối phó với Triều Tiên.

Theo Duowei News, tại diễn đàn này, cựu Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Joseph DeTrani nói rằng Mỹ không cho phép Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và cần phải tăng cường biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

David Asher, cựu điều phối viên của Nhóm  Bắc Triều Tiên hoạt động tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Trung Quốc cần phải xem xét lại chiến lược của mình trước các hành động leo thang gần đây của Bình Nhưỡng. Ông Asher nói thêm rằng nếu nhận được sự hỗ trợ từ Iran về công nghệ hạt nhân, Triều Tiên có thể gây nguy hiểm cho an ninh của châu Á và phần còn lại của thế giới.

Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Heritage, cho biết ông là một trong rất nhiều người Mỹ cảm thấy thất vọng trước việc Trung Quốc thiếu hành động trước diễn biến tình hình Triều Tiên. Mỹ đang bắt đầu nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể có lợi trong việc cho phép nước láng giềng Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân.

Nhận xét của ông Lohman đã vấp phải sự phản bác mạnh mẽ của Yan Xuetong, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế của Đại học Thanh Hoa. Ông Yan Xuetong bác bỏ mọi ý kiến cho rằng Trung Quốc đã có một chương trình ngầm. Ông nói nhiều người có quan niệm sai lầm về mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên và nhấn mạnh rằng hai nước này không phải là đồng minh quân sự. Trung Quốc và Triều Tiên chưa bao giờ tiến hành một cuộc tập trận chung hoặc có các chương trình trao đổi sinh viên. Không có binh sĩ Triều Tiên theo học tại Đại học Quốc phòng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông Yan nói thêm rằng hai nước không thể bị coi là đồng minh chỉ vì có quan hệ thương mại.

Ông Lohman cho rằng Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có thể được coi là đồng minh “danh nghĩa” vì đã ký kết một hiệp ước hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau cũng như việc Triều Tiên sử dụng xe Trung Quốc để vận chuyển tên lửa. Ông Yan cũng đã bác bỏ cáo buộc này.

Các học giả Trung Quốc nói rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân chỉ vì Trung Quốc gây sức ép kinh tế. Ông Yu Pinhai, chủ tịch Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung Quốc, nói thêm rằng Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết tình hình.

Ông Yu Pinhai nói Trung Quốc sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực để giải giới chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Bắc Kinh cũng sẽ không hỗ trợ bất kỳ hành động quân sự do Mỹ cầm đầu vì không muốn chứng kiến sự sụp đổ nhà nước Triều Tiên.

Điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là an toàn của khu vực. ÔngYu nói thêm rằng hành động của Kim Jong-un có thể là một nỗ lực để mở ra các kênh đàm phán với Mỹ.

Trong khi David Asher nói rằng Mỹ và Trung Quốc cần phải đề ra một chiến lược hợp tác với các nước khác để gây áp lực đối với Triều Tiên, Yu Pinhai cho rằng phương pháp này là không thực tế. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên là thông qua đàm phán và tham vấn. Theo ông, nền tảng tốt nhất để giải quyết vấn đề là thông qua các cuộc đàm phán sáu bên.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo WantChinaTimes)