Học giả Nga: Tình hình Biển Đông diễn biến nguy hiểm

Google News

(Kiến Thức) - Theo các học giả tham dự hội thảo quốc tế ở Nga, tình hình Biển Đông đang diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm do hành động thâu tóm của Trung Quốc.

Đây là ý kiến nhất trí của các học giả tham dự hội thảo quốc tế với chủ đề “Tranh chấp lãnh thổ và luật hòa bình trong thời toàn cầu hóa” tại Học viện Tư pháp Liên bang Nga hôm 21/3 về vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại các vùng biển chưa được phân chia như Bắc Cực, Biển Caspi và Biển Đông. Trong đó, Biển Đông là chủ đề chính.
Hoc gia Nga: Tinh hinh Bien Dong dien bien nguy hiem
Toàn cảnh hội thảo  “Tranh chấp lãnh thổ và luật hòa bình trong thời toàn cầu hóa” tại Học viện Tư pháp Liên bang Nga ở Moscow.
Hơn 100 chuyên gia chuyên gia, học giả, nhà Việt Nam học của Nga và quốc tế tham gia cuộc hội thảo này. Các tham luận phân tích các nguyên nhân, yếu tố lịch sử, hiện trạng tranh chấp hiện nay tại Biển Đông, dự báo những hành động tiếp theo của Trung Quốc trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông và khuyến nghị biện pháp giải quyết vấn đề.
Tiến sĩ I.A. Umnova, Trưởng ban nghiên cứu hiến pháp và pháp luật Học viện Tư pháp thuộc Tòa án tối cao Nga, khuyến nghị một số cơ chế pháp lý để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, trong đó có việc đệ đơn lên Tòa án quốc tế Liên Hợp Quốc, tòa án SCO. Bà cũng đề cập đến giải pháp pháp lý như việc các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình thông qua Bộ quy tắc ứng xử các bên tại Biển Đông và tiến xa hơn là Hiệp ước trung lập tại Biển Đông.
Tiến sĩ G.M. Lokshin, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Asean, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, phê phán Trung Quốc sử dụng những biện pháp thô bạo chống lại ngư dân Việt Nam, cũng như việc một loạt lãnh đạo Trung Quốc, nhất là giới quân sự đã có những tuyên bố thù địch đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Tiến sĩ M.E. Trigubenko, Chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho hay: “Việc Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ tại Biển Đông là chiến thuật truyền thống của Trung Quốc, như một câu ngạn ngữ của chính Trung Quốc“Ăn đất hàng xóm như tằm ăn dâu”. Bà vạch trần việc Trung Quốc tiếp tục khiêu khích Việt Nam trên Biển Đông khi thực hiện chuyến bay thử nghiệm trái phép đến một sân bay trên Đá Chữ Thập, đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp tại đây.
Tiến sĩ V. Mosyakov, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói: “Đã có sự lừa dối nghiêm trọng từ phía người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khi tuyên bố rằng Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo trên Biển Đông là nằm trong giới hạn chủ quyền của nước này”. Ông chỉ ra rằng Trung Quốc đã không tôn trọng và không thực hiện những thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ví dụ như thỏa thuận không bên nào được có những hành động có thể dẫn đến phức tạp thêm tình hình, không tham gia đối thoại trước với bên thứ ba…
Nhà phân tích chính trị Dmitry Mosyakov nhận xét: "Tình hình Biển Đông đang dần dần chuyển sang cấp độ pháp lý. Vấn đề quan trọng chính là tìm kiếm phương pháp tiếp cận chung giải quyết những vấn đề đang ngày càng trở nên gay gắt”.
Theo ông, giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tồn tại những tranh chấp lãnh thổ, trong khi đó Trung Quốc khó có thể kiểm soát hết nhiều vùng biển bên trong “đường lưỡi bò" vốn là những khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Việt Nam, Malaysia, Philippines. Hiện Trung Quốc đang từng bước biến cái “đường lưỡi bò” này thành ranh giới hàng hải do nước này kiểm soát.
Trung Quốc đang xây ba trung tâm trụ cột chính: ở phía nam và trung tâm quần đảo Trường Sa, trên quần đảo Hoàng Sa. Tại đây sẽ tổ chức các vùng phòng không, xuất hiện các vũ khí tên lửa, tạo ra những "tàu sân bay không thể chìm" có nhiệm vụ giám sát “đường lưỡi bò" và thâu tóm một khu vực rộng 2,2 triệu km vuông, tương đương 80% diện tích Biển Đông.
Việc biến “đường lưỡi bò" thành biên giới biển của Trung Quốc là một thảm họa đối với tất cả các nước Đông Nam Á ở ven Biển Đông. Trung Quốc có thể biến bất kỳ rạn san hô thành đảo, kể cả các rạn không nhô khỏi mặt nước khi thủy triều lên. Tiếp đến là việc Bắc Kinh công bố các rạn san hô là đảo, xung quanh đảo có vùng lãnh thổ 12 dặm của Trung Quốc, rồi khu vực kinh tế 200 hải lý kéo dài thêm thềm lục địa của Trung Quốc.
Các đối thủ của Trung Quốc có lập trường: không có gì thay đổi, rạn san hô vẫn chỉ là bãi đá ngầm, không đem lại quyền sở hữu lãnh thổ, rằng Biển Đông là diện tích mặt nước tự do hàng hải của tất cả các quốc gia. Khu trục hạm Mỹ đã ghé khu vực, Không quân Mỹ thực hiện các chuyến bay tới đây, Washington kéo cụm tàu sân bay chiến đấu tới Biển Đông. Còn Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng đánh đắm bất kỳ tàu thuyền nào xâm phạm cái gọi là “đường lưỡi bò".
Các học giả tham gia hội thảo ở Moscow đã thống nhất ý kiến rằng cần phải đóng băng tất cả các dự án xây dựng trên Biển Đông, tăng tốc soạn thảo một bộ luật ứng xử tại vùng biển này và thành lập một ủy ban quốc tế với nhiệm vụ phi quân sự hóa Biển Đông. Đó là lý do vì sao công việc hàng đầu là làm rõ các vấn đề pháp lý, đạt được sự đồng thuận pháp lý.
Video Tàu sân bay Trung Quốc tập trận ở Biển Đông (Nguồn VOA):
 

Minh Châu (Theo Sputnik/BBC)