“Hồ sơ Panama”: Ai giật dây và nhằm mục đích gì?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ rò rỉ dữ liệu của một công ty luật ở Panama đã tạo ra cơn địa chấn, với mức độ gấp “trăm lần” vụ Wikileak hay kẻ đào tẩu Edward Snowden.

 Mossack Fonseca, một công ty luật có trụ sở chính đặt tại Panama hiện là tâm điểm của dư luận, khi hàng loạt những thông tin nội bộ của hãng bị lộ lọt ra ngoài. Rất nhiều chính trị gia, tỉ phú bị cáo buộc có hành động trốn thuế, rửa tiền phi pháp thông qua các công ty ma (shell company) mà Mossack Fonseca đứng ra tạo dựng. Thế nhưng, đằng sau sự “phanh phui” này (được gọi với cái tên Hồ sơ Panama) còn ẩn chứa nhiều điều khá “thú vị”, trang tin Moonofalabama.org (Mỹ) nhận định.
“Ho so Panama”: Ai giat day va nham muc dich gi?
 Còn nhiều câu hỏi đằng sau vụ phanh phui "Hồ sơ Panama". Ảnh: ICIJ
Đó là việc kho dữ liệu không lồ có dung lượng lên đến 2,5 terabyte được “bung ra” bởi một vài tổ hợp tin tức, truyền thông ủng hộ khối NATO hoặc là các thiết chế “phi chính phủ” nhận bảo trợ tài chính từ chính quyền Washington. Theo trang Moonofalabama, “hồ sơ Panama” đơn giản chỉ là một âm mưu bôi nhọ, đánh gục một số người mà "đế chế" Mỹ không yêu thích. Nó còn là cơ hội để “kẻ đại diện” thực hiện ngón đòn tống tiền: Hứa sẽ không công bố thêm thông tin về các nhân vật chưa bị lộ nhưng đổi lại họ phải biết cách “đáp lễ”.
“Hồ sơ Panama” được tờ nhật báo Sueddeutsche Zeitung (Đức) công bố đầu tiên hôm 3/4, dựa vào một nguồn tin ẩn danh “tay trong” thuộc Mossack Fonseca. Gần như đồng thời thông tin được chia sẻ tới các hãng tin, tờ báo lớn như BBC, the Guardian (Anh), Le Monde (Pháp) và Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ). Sueddeutsche Zeitung tuyên bố, dữ liệu rò rỉ liên quan đến 214.000 “công ty ma” cùng với 14.000 khách hàng của Mossak Fonseca.
Hàng trăm các tổ chức, cá nhân trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến hoạt động rửa tiền, trốn thuế được nêu tên đích danh. Đa phần trong số này đều là những cái tên mà Mỹ không mấy ưa thích. Các mục tiêu bị đánh phá thậm chí còn được "tính toán kĩ hơn", với kết quả là những câu chuyện chống lại những người như Tổng thống Nga Vladimir Putin, một số quan chức trong Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA)… Chỉ có điều tờ Sueddeutsche Zeitung và các “đối tác” không thấy nhắc đến tên của một chính trị gia người Mỹ, châu Âu, hoặc là "sói già phố Wall" nào. “Nạn nhân cao cấp nhất” trong số này là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson – người được cho là cùng với vợ đứng ra nhờ Mossak Fonseca lập một công ty ma. Thế nhưng ông này thì cũng được nói là “chưa có bằng chứng rõ ràng”.
Cựu Đại sứ Anh Craig Murray nói rằng nếu “hồ sơ Panama” là câu chuyện có thật đi chăng nữa, thì điều đáng bàn hơn cả là “những ý định giấu kín” của các tổ chức đang điều khiển việc “lộ lọt” này. Nói cách khác, các tổ hợp truyền thông chỉ ra tay theo chỉ đạo trực tiếp từ một nghị trình cấp chính phủ từ của phương Tây. Cái tên ICIJ gợi lên điều gì? Đó là một tổ chức do Trung tâm minh bạch Công (CPI, Mỹ) bảo trợ về tài chính và tổ chức. Những người “đóng quỹ” chống lưng cho ICIJ gồm có Quỹ Ford, Quỹ Carnegie Endowment; Quỹ W.K. Kellogg Foundation; Viện Xã hội mở (của trùm tài phiệt G.Soros). ICIJ lại là một thành viên của Đề án Điều tra tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (OCCRP), được bảo trợ tài chính của chính quyền Mỹ thông qua Cơ quan Hỗ trợ phát triển Hoa Kỳ (USAID).
Theo trang Moonofalabama, việc bung dữ liệu một cách có lựa chọn và tính toán nhằm hai mục đích: 1/ Bôi nhọ những tổ chức, cá nhân mà Mỹ và các đồng minh “ghét bỏ”, dù chỉ bằng cách đánh gián tiếp nhằm vào những người thân cận (ví như đối với trường hợp của Tổng thống Putin và ông Bashar al-Assad); 2/ Cảnh báo những nhân vật quan trọng đã nằm “sổ theo dõi”, nhưng chưa “được” công bố, rằng họ hoàn toàn có thể bị lôi ra ánh sáng và theo cách này thì “Hồ sơ Panama” là một “công cụ tống tiền hoàn hảo”.
Báo Tin tức/Moonofalabama.org