|
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: "Đông Nam Á là một trung tâm tuyển mộ quan trọng của ISIS”. |
Tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La năm nay, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lên tiếng cảnh báo về
hiểm họa Nhà nước Hồi giáo, về sự nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố: "Đông Nam Á là một trung tâm tuyển mộ quan trọng của ISIS (Nhà nước Hồi giáo)”.
Hiểm họa IS đã hiện hữu ở Đông Nam Á
Có tin nói, hơn 500 công dân Indonesia và hàng chục công dân Malaysia đang đứng trong hàng ngũ của nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Quân số này đủ để IS thiết lập một đơn vị chiến đấu mang tên "Quần đảo Malay”. Thủ tướng Lý Hiển Long cảnh báo cần phải nhận thức nghiêm túc về mối đe dọa IS và nói thêm rằng mối đe dọa này đã hiện hữu.
Nhà phân tích Felix Heiduk, chuyên gia Đông Nam Á tại Viện Các vấn đề quốc tế và an ninh (SWP) có trụ sở tại thủ đô Berlin (CHLB Đức), nhận định: "Bộ máy tuyên truyền của ‘Nhà nước Hồi giáo’ đã thành công trong việc thu hút một số nhóm Hồi giáo vũ trang hoạt động tại Indonesia hoặc ở phía nam của Philippines và các nhóm này đã công khai cam kết trung thành với IS”.
|
Một số nhóm Hồi giáo vũ trang hoạt động tại Indonesia và phía nam Philippines đã công khai cam kết trung thành với IS. |
Chính phủ Indonesia đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và đã phản ứng bằng cách gọi bất cứ tổ chức nào có quan hệ với IS là “tội phạm hình sự”.
Tuy nhiên, nhà phân tích Felix Heiduk nhấn mạnh rằng điều này không ngăn cản được một phần nhỏ dân số Indonesia trở thành cực đoan. Ông nói: " Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố cho thấy biện pháp này không thể trục xuất các yếu tố cực đoan khỏi xã hội”.
Chiến dịch phi cực đoan hóa
Sau vụ đánh bom Bali năm 2002, chính phủ Indonesia đã khởi xướng các chương trình “phi cực đoan hóa” để quản lý các phần tử cực đoan trong xã hội. Các chương trình này chủ yếu nhắm vào các tín đồ Hồi giáo bị giam cầm, với việc các cơ quan thực thi pháp luật nhiêm túc quan tâm đến nguyện vọng của các tù nhân và hỗ trợ gia đình của họ. Chính phủ Indonesia hy vọng rằng thông qua các chương trình này, những phần tử cực đoan sẽ từ bỏ bạo lực.
Tuy nhiên, nhà phân tích Heiduk hoài nghi về mức độ thành công của các chương trình nói trên. Ông nói: "Khi nhìn vào những phần tử cực đoan Indonesia đến Syria và Iraq, người ta nhận ra rằng nhiều kẻ đã thụ hưởng chương trình phi cực đoan hóa”.
Các nhà phân tích nói rằng các chương trình này bộc lộ khá nhiều hạn chế trong khâu thực thi pháp luật và tư pháp. Do đó, chúng tác động rất hạn chế đối với toàn bộ xã hội. Về vấn đề này, nhà phân tích Haiduk nhận xét: "Không có tranh luận thực tế và do đó không có sự đồng đồng thuận ở các nước như Indonesia và Malaysia, nơi sự hiện diện của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở mức đáng báo động”.
Thiếu ý quyết tâm chính trị
Dominik Mueller, chuyên gia phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Hồi giáo toàn cầu ở thành phố Frankfurt, cho rằng chính phủ Malaysia đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm IS.
|
Chiến binh "nhí" trong một trại huấn luyện của nhóm cực đoan "Nhà nước Hồi giáo".
|
Ông nói thêm rằng Malaysia vẫn khó có hành động cụ thể chống lại các nhóm chiến binh Sunni, mặc dù quốc gia Đông Nam Á này hiện đang tiến hành một chiến dịch phi cực đoan hóa. Ông nói thêm: “Khi một vị thủ tướng gọi đa nguyên và tự do là phi Hồi giáo, điều này đặt ra một câu hỏi về ý nghĩa của chiến dịch phi cực đoan hóa”.
Một lý do khác cho sự thiếu hành động ở Malaysia là có sự chồng chéo về ý thức hệ với IS. Nhà phân tích Mueller cho biết: "Một số người Malaysia xem Hồi giáo Shi’ite là dị giáo. Họ phỉ báng những người Shi’ite trên các phương tiện truyền thông”. Ông Mueller nhấn mạnh rằng lý do khác biệt về ý thức hệ, giáo phái không thể biện minh cho việc sử dụng bạo lực trong xã hội.
Hai nhà phân tích Heiduk và Mueller cho rằng cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan không chỉ là công việc của các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật ở cấp tiểu bang. Các cuộc thảo luận về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cần được mở rộng đến các nhà tù, nhà thờ Hồi giáo, thị trường và các hộ gia đình.
Minh Châu (Theo DW)