Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến rất nhiều quốc gia trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo lắng, đặc biệt là những nước Đông Âu với không ít người Nga đang sống trong khu vực.
Một trong những nguyên tắc hoạt động cốt lõi của NATO là: một nước thành viên bị tấn công đồng nghĩa với việc tất cả các nước còn lại trong tổ chức bị tấn công.
Cam kết về an ninh tập thể này được nêu rõ tại Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 1949 – Tài liệu sáng lập Liên minh.
Nếu như không giữ vững cam kết này, uy tín của NATO sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đó là lý do tại sao NATO cần có những bước đi cụ thể thay vì tạo ra vô vàn những phát biểu hùng hồn để chứng minh rằng cam kết này được áp dụng một cách vô điều kiện với tất cả các nước thành viên ở Đông Âu.
Gần đây, theo tuyên truyền từ phía NATO, Nga đang tạo ra nhiều hành động gây hấn và khiêu khích. Theo đó, NATO tuyên bố liên minh này đã phải hơn 400 lần triển khai đội hình máy bay chiến đấu để đánh chặn các máy bay Nga nhiều lần bay gần và xâm nhập không phận bất hợp pháp.
|
Máy bay chiến đấu bảo vệ không phận của NATO. |
Hành vi này của Nga cũng đe dọa đến sự an toàn của nhiều máy bay dân sự vì các phi công Nga không hề bật bộ phát và liên lạc với bộ phận kiểm soát viên không lưu trong lúc bay.
Mới đây, Nga tiếp tục các động thái thăm dò khi Hải quân Nga hoạt động chỉ cách vùng lãnh hải của các nước thành viên NATO vài trăm mét.
Tại các khu vực liên quan, Nga cũng tổ chức các cuộc diễn tập quy mô lớn với hàng ngàn binh lính, thậm chí một trong số đó còn mô phỏng tấn công hạt nhân .
Các mối đe dọa phi truyền thống
Nga tạo ra nhiều mối đe dọa phi truyền thống cho Đông Âu. Đáng kể nhất là hành động dùng ngân sách, các cuộc tuyên truyền và thành lập các tổ chức NGO nhằm gây ảnh hưởng đến đời sống của các công dân Nga trong khu vực hòng làm suy yếu chính quyền địa phương.
NATO hoàn toàn không được chuẩn bị cho những rắc rối này.
Mặc dù đã được Brussels cảnh báo nhưng NATO có vẻ đã đánh giá thấp các mối đe dọa từ Nga.
Liên minh đã bỏ lỡ nhiều cơ hội giá trị tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở xứ Wales giá hồi tháng 9/2014: Không có cam kết cụ thể nào được đưa ra về việc tăng kinh phí cho quốc phòng tại châu Âu, không có đề nghị chính thức nào được đưa ra để đối phó với các mối đe dọa từ Nga và cũng không có cam kết nào được thực hiện về việc thiết lập các căn cứ của NATO thường trú tại Đông Âu.
Trong Hội nghị thượng đỉnh, các nước thành viên đã nhất trí thành lập 1 lực lượng “xung kích” NATO với 4.000 binh lính để có thể đối phó nhanh với các cuộc khủng hoảng trong vòng vài ngày.
Đáng buồn thay, các thành viên NATO đang khá chật vật trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực và kinh phí trong khi tổng cộng có hơn 2 triệu quân nhân trên toàn châu Âu.
Việc thiếu hụt ngân sách quốc phòng ở châu Âu hiện nay rất đáng lo ngại và nhận được sự chú ý từ Moscow. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, châu Âu đã tiêu tốn một khoản tiền đáng kể vào việc đơn phương giải trừ quân bị.
Là một Liên minh An ninh đa quốc gia nhưng NATO chỉ mạnh tương đương với các nước thành viên. Trong năm 2013, chỉ 4 nước gồm Mỹ, Anh, Estonia và Hi Lạp trong tổng số 28 nước thành viên dành ra 2% GDP chi tiêu cho quốc phòng.
Chi tiêu cho quốc phòng ở châu Âu là quá thấp, thậm chí chỉ riêng thành phố New York còn chi cho an ninh nhiều hơn mỗi nước trong 13 thành viên NATO.
NATO cần làm những gì?
Đầu tiên, NATO cần tái tập trung vào động cơ ban đầu nhằm bảo vệ lãnh thổ và an ninh chung. Quyền lực của NATO có thể có hạn, nhưng nhất thiết phải bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ các nước thành viên.
Châu Âu cần tập trung củng cố khả năng phòng thủ. Mỹ cần nghiêm túc thực hiện cam kết về an ninh xuyên quốc gia và ngăn chặn những kế hoạch tiêu hao quân Mỹ tại châu Âu.
|
Thành viên lực lượng phản ứng nhanh của NATO tập luyện. |
Ngoài ra, NATO cần xây dựng một lực lượng quân sự giàu năng lực và kiên cố tại Đông Âu. Việc lần lượt triển khai huấn luyện một cách nhỏ lẻ cho các binh sỹ trong khu vực chỉ mang lại hiệu quả chiến thuật nhất thời mà khó đem lại hiệu quả cao khi nổ ra xung đột.
Trên phương diện quân sự và ngoại giao, việc NATO thiết lập bộ máy quân sự vững mạnh tại Đông Âu là yêu cầu bức thiết và tối quan trọng hiện nay. Điều đó sẽ giúp cho việc ngăn chặn các mối đe dọa và bảo vệ vùng Baltics khỏi sự xâm lược của Nga trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1949, NATO là tổ chức đa phương tích cực nhất trong việc phát huy dân chủ, thúc đẩy hòa bình và an ninh ở châu Âu. Tình hình chính trị giữa Nga và châu Âu hiện đang rối ren và căng thẳng. Đây chính là lúc NATO cần hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết dựa trên mục đích thành lập ban đầu để giữ cho châu Âu một tương lai ổn định.
Hoàng Anh