Cũng tại cuộc thăm dò này, nhiều người dân Nga thể hiện sự ủng hộ rộng rãi đối với vụ sáp nhập trên. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, hành động này như là “cọng rơm cuối cùng”.
“Tôi cảm thấy sợ. Tôi thành thật bày tỏ suy nghĩ của mình viết những gì tôi nghĩ lên Facebook. Tuy nhiên, chẳng có ai theo dõi điều đó cả. Đôi khi tôi nghĩ tình hình hiện thời ở Nga gần giống với trạng thái của một cuộc tấn công khủng bố. Bạn sẽ không biết khi nào xảy ra chuyện và ai có thể bị nhắm tới”, doanh nhân 28 tuổi Valentin Dombrovsky chuẩn bị di cư sang Đức cho hay.
Việc chảy máu chất xám từ lâu đã là vấn đề nhức nhối nhiều năm ở Nga thời kì hậu Liên Xô. Rất nhiều nhân vật ưu tú đã rời khỏi đất nước trong những năm gần đây, điển hình là lãnh đạo phe đối lập kiêm nhà cựu vô địch cờ vua Garry Kasparov hay nhà kinh tế học Sergei Guriyev.
|
Một người Nga tham gia cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ can thiệp quân sự vào Ukraine đã bị bắt giữ.
|
Nga cũng là quốc gia có tỷ lệ những người xin tị nạn chính trị vào loại cao trên thế giới. Hồi tháng trước, Liên Hiệp Quốc công bố một bản báo cáo chỉ ra rằng, Nga là nước thứ hai (sau Syria) về số lượng người dân nộp đơn xin tị nạn. Cũng theo báo cáo này, khoảng 40.000 người Nga đã xin tị nạn ở các quốc gia trên thế giới trong năm 2013, tăng 76% so với năm trước. Trong đó, Đức và Ba Lan là hai quốc gia được người tị nạn gửi gắm tin tưởng nhiều nhất.
Thật khó để xác định số lượng người Nga quyết định di cư dựa theo hai nguyên nhân chính: vụ sáp nhập Crimea và tình hình chính trị trong nước hiện nay. Tuy nhiên, một chuyên gia, chuyên lo các giấy tờ thủ tục cho những người muốn ra nước ngoài, cho hay số lượng người đặt hàng tới từ Nga của ông đã tăng khoảng 20% trong những tháng gần đây.
“Hầu hết họ đều muốn di cư sang các quốc gia châu Âu, số khác lại chọn nước Mỹ làm điểm đến. Lựa chọn tốt nhất là di dân kinh doanh, hay di cư sang các nước có quy định sẽ cấp giấy phép cư trú cho người nước ngoài mua nhà tại nước sở tại”, người đứng đầu cơ quan di trú Alef Georgy Isakov cho biết.
Dombrovsky, một cư dân Moscow và là nhà đồng điều hành trang web du lịch Travelatus, chia sẻ mong muốn rời xa nước Nga của ông xuất phát từ cả lý do chính trị và kinh tế.
Ông cho biết, việc tiếp quản Crimea không làm ông bất ngờ sau những động thái thắt chặt kiểm soát đối với phe đối lập của chính phủ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bằng hành động chiếm đóng Crimea như vậy, điện Kremlin đang răn đe các doanh nhân có quan hệ đối tác hay lợi ích kinh tế ở châu Âu.
Anton, 38 tuổi, một doanh nhân có kế hoạch chuyển tới sinh sống tại một thành phố ở Tây Âu, cho hay các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU và Mỹ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của công ty anh với các đối tác châu Âu.
Tất cả các nhân vật được tờ Moscow Times phỏng vấn đều bày tỏ hi vọng rằng, một ngày nào đó Nga sẽ từ bỏ các chính sách, mà đang ngày càng khiến đất nước họ cô lập với phương Tây.
Thanh Nga (theo MT)