Báo Anh The Guardian dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng Ả-rập Xê-út có thể triển khai "hàng ngàn lính đặc nhiệm ở Syria, phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ”.
|
Liệu Ả-rập Xê-út có đem đám "lính cảnh" này vào thực chiến ở Syria?
|
Vladimir Sazhin - một chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu Trung Đông trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - nói với hãng thông tấn Nga RIA Novosti rằng nếu một hoặc cả hai nước nói trên (Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ) thực sự
đổ quân vào Syria, cuộc khủng hoảng này sẽ trở nên không thể nào giải quyết nổi.
Chôn vùi tiến trình hòa bình Geneva
Theo nhà phân tích Vladimir Vladimir Sazhin, sự can thiệp quân sự của Ả-rập Xê-út sẽ không chỉ chôn vùi tiến trình hòa bình Geneva, mà còn có thể dẫn đến việc chia cắt lãnh thổ Syria. Ông giải thích: "Điều này làm cho tình hình Syria trở nên vô cùng phức tạp và khiến cho một giải pháp hòa bình là bất khả thi. Tình hình hiện nay dường như cho thấy rằng Syria sẽ bị chia thành ba phần - mặc dù Mỹ, Nga và Iran không hề muốn thấy kịch bản này”.
Một trong ba phần nói trên sẽ bao gồm các vùng lãnh thổ do chính phủ Syria kiểm soát - nơi sinh sống của những người Alawite, Cơ đốc giáo, Druze và các dân tộc khác. Phần thứ hai là khu vực tự trị của người Kurd Syria và phần thứ ba sẽ là vùng lãnh thổ thưa thớt dân cư ở phía đông nằm dưới sự kiểm soát của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và lực lượng đối lập của người Sunni.
Tệ hơn nữa, theo nhà phân tích Vladimir Sazhin, sự can thiệp quân sự của Riyadh có thể đẩy Tehran trực tiếp can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria. Ông Sazhin nói thêm: "Một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra là để đáp lại động thái can thiệp quân sự của Ả-rập Xê-út, Iran có thể tiến hành một động thái tương tự. Và đụng độ trực tiếp giữa hai cường quốc khu vực (Ả-rập Xê-út và Iran) là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.
Binh sĩ Ả-rập Xê-út giỏi duyệt binh, thiếu kỹ năng thực chiến
Đồng thời, nhà phân tích Vladimir Sazhin cho rằng sự can thiệp quân sự của Ả-rập Xê-út sẽ không có tác động đáng kể đến chiến dịch chống phiến quân IS. Ông nhận định: "Tôi không nghĩ rằng đội quân của Ả-rập Xê-út sẽ tác động đáng kể đến cục diện chiến trường. Ai cũng biết bộ binh Ả-rập Xê-út chiến đấu không mấy hiệu quả. Thế nhưng, nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Syria thì lại hoàn toàn khác. Người Thổ Nhĩ Kỳ luôn nổi trội với khả năng quân sự cao của họ”.
Về phần mình, ông Sergei Demidenko - một chuyên gia cao cấp tại Viện Đánh giá và Phân tích chiến lược của Nga - chỉ ra những hạn chế của quân đội Ả-rập Xê-út và lưu ý rằng Riyadh không hề có bất kỳ kinh nghiệm thực tế nào để tiến hành một chiến dịch quân sự thành công và cuộc chiến ở Yemen chính là một bằng chứng hùng hồn minh họa cho thực tế này. Theo ông, binh sĩ Ả-rập Xê-út "không biết cách chiến đấu, không muốn chiến đấu và nếu phải chiến đấu, thì họ ủy thác cho những kẻ khác làm thay”.
Chớ có chọc vào “tổ ong vò vẽ” Syria
Nhà phân tích Sergei Demidenko nói với RIA Novosti rằng thông báo sẵn sàng đổ quân vào Syria của Ả-rập Xê-út là “lời nói cửa miệng” vì Riyadh và Ankara đều nhận ra rằng mọi hành động can trực tiếp thiệp quân sự vào Syria sẽ nhanh chóng biến thành một “vũng lầy” gây bất ổn cho cả Ả-rập Xê-út lẫn Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhận định: "Đây sẽ là một động thái rất đáng ngờ và cực kỳ tai hại vì kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã chao đảo và kinh tế Ả-rập Xê-út quá phụ thuộc vào dầu mỏ. Nếu Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ đổ quân vào Syria, hai nước này sẽ ngay lập tức làm khổ bản thân và trở thành mục tiêu tấn công của một cuộc chiến tranh du kích quy mô lớn”.
So sánh sự can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria của Ả-rập Xê-út với cuộc chiến thất bại trước đây của Israel ở miền nam Lebanon (một cuộc chiến mà cuối cùng quân đội Israel đã buộc phải rút lui, vì không biết làm cách nào để chiến đấu chống lại các nhóm du kích), nhà phân tích Demidenko nhắc lại rằng "xét về khía cạnh sắc tộc-giáo phái, Syria là rất giống Lebanon”. Ông giải thích: “Syria có các nhóm sắc tộc khác nhau và chiến đấu với họ là hầu như không thể. Ả-rập Xê-út sẽ phải hứng chịu tổn thất rất lớn, lãng phí ngân sách vào một cuộc chiến tranh vô ích. Kết quả cuối cùng là quả bóng sẽ bị xì hơi dẫn đến việc làm mất ổn định khu vực và gây ra nhiều bất ổn cho nền kinh tế nước này”.
Cuối cùng, các nhà phân tích Nga cho rằng người Ả-rập Xê-út biết rõ rằng Syria chính là một tổ ong vò vẽ khổng lồ và họ sẽ bị đốt cho sưng mặt nếu mạo hiểm trực tiếp can thiệp quân sự. Theo họ, có lẽ đây chỉ là “võ mồm” và một thủ đoạn chiến tranh thông tin nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hòa bình Syria, chứ không phải là ý định thực sự của Ả-rập Xê-út.
Nhà phân tích Demidenko kết luận: Nếu Ả-rập Xê-út thực sự trực tiếp can thiệp quân sự vào Syria, thì kết quả "đầu tiên và trước hết là sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện”.
Minh Châu (Theo Sputnik News)