Bắc Kinh đang tận dụng sức mạnh kinh tế-công nghệ để thực hiện các mục tiêu địa chiến lược, cụ thể là để thâu tóm Biển Đông và thực hiện dự án đầy tham vọng “Con đường tơ lụa trên biển”.
Theo tiến sĩ Andrew S. Erickson, giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu chiến lược của Trường Chiến tranh hải quân Mỹ (US Naval War College), hạm đội tàu nạo vét hùng hậu là một trong những công cụ bành trướng của Trung Quốc.
|
Một tàu nạo vét hiện đại của Trung Quốc.
|
Giáo sư tiến sĩ Andrew S. Erickson nhận định: "Bắt đầu từ năm 2001, Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng và
nâng cấp hạm đội tàu nạo vét lúc đó còn kém chất lượng để thỏa mãn nhu cầu trong nước ngày càng tăng về đường thủy , cảng nước sâu và để chiếm một vị trí hàng đầu trong thị trường nạo vét toàn cầu đang phát triển nhanh chóng ".
Chuyên gia Mỹ này nhấn mạnh rằng cách đây 15 năm, Trung Quốc không có khả năng đắp các “đảo nhân tạo” gây tranh cãi ở Biển Đông. Dự án đầy tham vọng này đòi hỏi phải có “một hạm đội tàu nạo vét lớn và hiện đại”. Do đó Bắc Kinh đã tìm mọi cách xây dựng một hạm đội tàu nạo vét lớn. Không những thế, Trung Quốc còn tập trung vào việc chế tạo tàu hút bùn lớn hơn và hiện đại hơn nhiều so với tàu cùng loại của các nước khác. Cuối cùng, Trung Quốc đã chiếm ngôi đầu thế giới, xét về công suất của đội tàu nạo vét.
|
Đội tàu nạo vét Trung Quốc ráo riết biến Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo có đường băng dài 3.000 mét.
|
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM-48) vừa qua tại Kuala Lumpur, Trung Quốc đã bị các nước láng giềng chỉ trích nặng nề về hoạt động hút cát đắp “đảo nhân tạo” trên các rạn san hộ và bãi đá ngầm ở Biển Đông.
Tuy nhiên, những lời chỉ trích Trung Quốc khắc nghiệt nhất lại đến từ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đã nêu đích danh Trung Quốc tìm cách hạn chế tự do đi lại bằng đường biển và đường không trên Biển Đông.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, tự do hàng hải và hàng không không bao gồm việc cho phép máy bay chiến đấu và tàu chiến nước ngoài vi phạm an ninh và chủ quyền quốc gia. Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông vì nó tạo điều kiện phát triển kinh tế trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 6/8 bao biện: "Cho đến nay, tình hình ở Biển Đông nói chung vẫn ổn định và không có khả năng xảy ra xung đột lớn. Do đó, Trung Quốc phản đối mọi lời nói và việc làm không mang tính xây dựng hay những hành động…làm gia tăng căng thẳng, không phù hợp với thực tế ". Ông Vương Nghị nói thêm: “Trung Quốc cũng có lợi từ tự do hàng hải ở Biển Đông. Đa số các hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển qua Biển Đông, vì vậy tự do hàng hải ở Biển Đông cũng không kém phần quan trọng đối với Trung Quốc".
Thế nhưng, các chuyên gia Mỹ bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào việc xây dựng và phát triển hải cảng "khắp khu vực Đông Nam Á và Nam Á”.
Trung Quốc đã đổ gần một tỷ USD để xây dựng cảng Kuantan ( Malaysia), xây dựng cầu cảng mới ở Colombo (Sri Lanka) và góp phần đáng kể vào việc mở rộng cảng Gwadar (Pakistan). Hạm đội tàu hút bùn của Trung Quốc hiện đang góp phần mở ra “con đường tơ lụa trên biển”.
Giáo sư tiến sĩ Erickson cho biết: "Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Bắc Kinh đã xây dựng và triển khai một hạm đội tàu nạo vét khổng lồ để ‘thay đổi địa lý’ theo đúng nghĩa đen của cụm từ này và sử dụng sức mạnh kinh tế-công nghệ ngày càng gia tăng để thúc đẩy các mục tiêu địa chiến lược của Trung Quốc".
Các chuyên gia Mỹ không loại trừ khả năng Bắc Kinh sử dụng hạm đội tàu nạo vét hùng hậu "để xây dựng căn cứ hải quân ở nước ngoài hoặc mở rộng các cảng thương mại hiện có đến một kích thước đủ lớn để cho tàu chiến Trung Quốc lưu trú và qua đó, tăng cường khả năng tác chiến ở các đại dương của Hải quân Trung Quốc”.
Minh Châu (Theo Sputnik News)