|
Biên đội tàu chiến gồm tàu đổ bộ Type 071 Tỉnh Cương Sơn (phía trước), tàu
khu trục tên lửa Lan Châu, tàu hộ vệ tên lửa Ngọc Lâm, tàu hộ vệ tên
lửa Hoành Thủy. |
Tân Hoa xã dẫn lời một tướng cấp cao của Hải quân Trung Quốc cho biết, hoạt động huấn luyện ở biển xa mà Trung Quốc không ngừng mở rộng sẽ được tiến hành thường xuyên, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là Trung Quốc đang thay đổi chính sách quốc phòng.
Đứng trên tàu vận tải đổ bộ Tỉnh Cương Sơn – con tàu vừa tham gia huấn luyện biên đội ở biển Đông và Tây Thái Bình Dương, Tưởng Vĩ Liệt, Tư lệnh Hạm đội Nam Hải nói với phóng viên rằng, triển khai huấn luyện ở biển xa là cách làm của nhiều quốc gia.
Tưởng Vĩ Liệt nói: “Sự phát triển của hải quân (TQ) hoàn toàn không có nghĩa là chiến lược phòng thủ biển gần của Trung Quốc đã thay đổi”.
Tưởng Vĩ Liệt nói: “Chúng tôi lấy máy bay cảnh báo sớm làm phương tiện quan trọng để dẫn đường chỉ huy trên không, đã được con đường mới cho lực lượng hàng không hải quân và tàu chiến mặt nước huấn luyện tác chiến hiệp đồng dựa trên hệ thống thông tin”.
Bình luận viên quân sự Macao Hoàng Đông cho rằng, ngôn từ của Tưởng Vĩ Liệt chủ yếu là nhằm vào các nước láng giềng còn tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh hải hoặc lãnh thổ với Trung Quốc, như Việt Nam và Philippines.
Hoạt động huấn luyện thành công của Hải quân Trung Quốc đã tạo ra một mối đe dọa thực sự cho các nước nêu trên. “Ngụ ý của Tưởng Vĩ Liệt là, nếu tranh chấp chủ quyền không thể thông qua đàm phán giải quyết, Hải quân Trung Quốc sẽ toàn lực hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc và chứng tỏ sức chiến đấu thực sự” – Hoàng Đông nói.
Sáng ngày 31/3/2013, tàu vận tải đổ bộ Type 071 Tỉnh Cương Sơn và 3 tàu chiến khác là tàu khu trục tên lửa Lan Châu, tàu hộ vệ tên lửa Ngọc Lâm, tàu hộ vệ tên lửa Hoành Thủy đã tham gia một cuộc diễn tập bắn đạn thật ở Tây Thái Bình Dương.
Đối với hoạt động diễn tập của biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải Trung Quốc vừa qua, trang mạng Quỹ Jamestown Mỹ ngày 28/3 cho rằng, cùng với hoạt động gần đây của Hải quân Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của các nước có liên quan trong khu vực, tình hình căng thẳng ở biển Đông hầu như tiếp tục nóng lên.
Hạm đội Nam Hải – một trong ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc – đã tiến hành một loạt hoạt động huấn luyện cái gọi là “bảo vệ chủ quyền”. Hạm đội này đã sử dụng các trang bị đổ bộ, trên biển và trên không, chuẩn bị cho xung đột biển Đông tương lai tưởng định. Gần đây, những hoạt động huấn luyện này liên quan đến một biên đội 4 tàu chiến, gồm 1 tàu vận tải đổ bộ tiên tiến nhất, 1 tàu khu trục tên lửa và 2 tàu hộ vệ tên lửa.
Biên đội này đã triển khai một loạt hoạt động huấn luyện. Trước đó, trong tháng 3, một biên đội máy bay chiến đấu ném bom Su-30MK2 của Hạm đội Nam Hải đã triển khai huấn luyện tấn công ở biển Đông. Lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc cũng đã tiến hành huấn luyện chiến đấu, trọng điểm huấn luyện là chuẩn bị cho chiến đấu thực tế.
Trong khi đó, đối với dư luận, Bắc Kinh tuyên bố, một loạt hoạt động huấn luyện này chẳng qua là cách làm thường lệ, hoàn toàn không có động cơ khác. Nhưng, không có ai nghe được những ngôn từ vỗ về láng giềng của Bắc Kinh.
Bởi vì, những hoạt động huấn luyện này có một số tác dụng phụ, đó là đã phô diễn khả năng điều động lực lượng quân sự của Trung Quốc ở toàn bộ Biển Đông.
Không khí xung quanh hoạt động huấn luyện này cho thấy, Bắc Kinh đang sử dụng các hoạt động của phía quân đội, thúc đẩy hiện trạng Biển Đông có lợi hơn cho Trung Quốc. Chất lượng và số lượng trang bị của Hải quân Trung Quốc đã làm cho hoạt động huấn luyện của biên đội Hạm đội Nam Hải gây chú ý đặc biệt cho dư luận.
Cho dù Bắc Kinh coi đây là hoạt động huấn luyện bình thường, nhưng ngay cả Malaysia, nước luôn tỏ ra bình tĩnh, cũng đã bày tỏ quan ngại về việc biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện ở vùng biển cực nam Biển Đông.
Được biết, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã triển khai tuần tra tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp (xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi tuần tra ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) và huấn luyện, diễn tập hơn 30 khoa mục (chống khủng bố, chống cướp biển, tác chiến săn ngầm liên hợp, tác chiến đổ bộ liên hợp, phòng không, phòng thủ tên lửa, hạ cánh trực thăng xuống tàu chiến, tìm kiếm cứu nạn…) trên Biển Đông và vùng biển Tây Thái Bình Dương kể từ ngày 19/3 đến ngày 3/4, tổng cộng 16 ngày đêm, hành trình gần 5.000 hải lý.
Hoạt động tuần tra, huấn luyện với các tàu chiến chủ lực của Hải quân Trung Quốc này được báo chí Trung Quốc rầm rộ công khai, được một số chuyên gia cho là “chưa từng có”, là đang phô diễn sức mạnh của Hải quân Trung Quốc. Đáng chú ý là Trung Quốc không còn chọn phía bắc để tuyên bố chủ quyền như trước đây nữa, họ đã cho tàu chiến và binh sĩ của họ đến tận bãi ngầm James (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu) để tuyên bố chủ quyền, đối tượng cảnh báo không chỉ là Việt Nam và Philippines.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo GDVN