Hải quân Trung Quốc “khuấy động” Biển Đông làm gì?

Google News

(Kiến Thức) - Đội tàu chiến Trung Quốc tập trận sát Malaysia, cách bờ biển Hải Nam 1.800km là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực thâu tóm toàn bộ Biển Đông.

Bãi cát ngầm James Shoal cách bờ biển Malaysia 80km, nhưng lại cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc tới 1.800km. Việc tàu đổ bộ và tàu chiến Trung Quốc xuất hiện ở đây đã khiến cho nhiều nước kêu gọi Mỹ giúp chống lại mưu đồ thâu tóm hầu hết Biển Đông của Bắc Kinh.

Michael Auslin, chuyên gia về Đông Á tại Viện Doanh nghiệp, nói việc Trung Quốc tập trận ở tận cực nam Biển Đông cho thấy chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Obama là “lợi bất cập hại” đối với Nhật Bản và Philippines. Ông Auslin nói: “Chúng ta đang mất uy tín với các nước đồng minh và bạn bè bằng cách không can dự. Trung Quốc đã coi việc Mỹ không hành động là ‘đèn xanh’ cho nước này lấn tới”.

Trong năm 2010, Trung Quốc cho dựng một cột mốc chủ quyền trên bãi cát ngầm James Shoal và tuyên bố đây là lãnh thổ Trung Quốc. Hành động này là một phần yêu sách chủ quyền của Trung đối với tất cả các đảo, các ngư trường, các nguồn năng lượng ở Biển Đông, trong đó có nhiều khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam và Philippines. Biển Đông cũng là một tuyến đường vận chuyển hàng hóa toàn cầu quan trọng, chiếm một nửa khối lượng hàng hóa vận chuyển đường biển trên thế giới.  

Phía Malaysia tuyên bố rằng yêu sách của Trung Quốc là phi lý và là một mưu đồ thâu tóm các nguồn tài nguyên dầu khí trong vùng biển của Malaysia, vốn đã  được quốc tế công nhận.

Nhà phân tích Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc Đông Bắc Á của International Crisis Group (Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận) cho biết, cuộc tập trận hải quân này là nằm trong mưu đồ “biến đổi từ cường quốc đất liền thành cường quốc biển” của Trung Quốc. Chiến lược này đã được thúc đẩy trong hai năm qua. Trong thời gian đó, Trung Quốc ngày càng hung hăng, quyết đoán hơn trong các cuộc tranh chấp biển đảo.

Gary Li, một nhà phân tích cao cấp của IHS Fairplay ở London, gọi vụ tập trận đổ bộ ở bãi cát ngầm James Shoal là “thông điệp mạnh đến đáng kinh ngạc” của ban lãnh đạo Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Theo ông, đây không phải là một đội tàu chiến thông thường mà là một đội tàu chiến hùng mạnh mang theo lính thủy đánh bộ, tàu đổ bộ đệm khí và được hộ tống đầy đủ nhất từ trước tới nay. Đó là chưa kể nhiều máy bay chiến đấu phản lực cũng bay ra yểm trợ cho cuộc tập trận này. Ông nói: “Chúng ra chưa bao giờ chứng kiến bất cứ cuộc tập trận nào (của hải quân Trung Quốc) như thế này - xét về số lượng, chất lượng và mức độ tiến xa về phía nam”.

 Trung Quốc mưu toan dùng pháo hạm để hiện thực hóa "đường lưỡi bò" phi pháp, liếm trọn Biển Đông.

Chuyên gia Michael Auslin nói Mỹ cần phải phản ứng để đảm bảo Biển Đông không bị kiểm soát bởi bất kỳ quốc gia duy nhất nào. Ông cho biết Nhà Trắng nên tăng số lần xuất hiện của các tàu chiến Mỹ trong khu vực và cho Trung Quốc thấy rõ sự hiện diện của Mỹ. Điều này sẽ thúc đẩy sự tự tin của các nước đồng minh và cho thấy Mỹ sẵn sàng đối phó những thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhà Trắng vẫn muốn tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua các cơ cấu pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, nhà phân tích Auslin cho rằng, hành động hiếu chiến của Trung Quốc gần đây (không vấp phải sự đáp trả tương xứng từ Mỹ) có thể hủy hoại chính sách “chân lý thuộc về kẻ mạnh” của Mỹ trong vòng 100 năm qua, khi cường quốc biển này không thể đảm bảo các tuyến hàng hải quốc tế thông suốt cho tất cả các nước trên thế giới.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo USA Today)