GS Úc: Bóc mẽ leo thang giàn khoan, Biển Đông từ ảo tưởng Trung - Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc có các hành động khiêu khích trên Biển Đông và biển Hoa Đông với niềm tin rằng Mỹ sẽ lùi bước, bỏ rơi đồng minh.

Kiến Thức lược dịch bài phân tích của giáo sư Hugh White chuyên nghiên cứu chiến lược tại ĐH Quốc gia Australia (Úc), đăng trên trang web của Viện Chính sách Quốc tế Lowy, lý giải về các hành vi gần đây của Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông và biển Đông.
Thách thức vị trí của Mỹ ở châu Á
Những hành động vừa qua của Trung Quốc cho thấy nước này đang tăng cường quyền lực và ảnh hưởng tới châu Á theo lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc biết vị trí của Mỹ ở châu Á được xây dựng dựa trên mạng lưới đồng minh và đối tác với các nước láng giềng Trung Quốc. Bắc Kinh biết rằng làm yếu những mối quan hệ này là cách dễ nhất để làm giảm quyền lực của Mỹ trong khu vực. Bắc Kinh cũng biết rằng, nền tảng trong việc kết liên minh với Mỹ của các nước trong khu vực là sự tự tin của các nước này về việc Washington sẽ bảo vệ họ trước quyền lực của Trung Quốc.
Vì vậy, cách dễ nhất để Bắc Kinh làm yếu đi quyền lực của Washington ở châu Á là đập tan ảo tưởng về việc Mỹ sẽ bảo vệ các nước châu Á trong việc đối đầu với Trung Quốc, nhất là tại những khu vực quyền lợi của Mỹ không được Washington coi là cấp thiết. Điều này được thể hiện qua hàng loạt các hành động khiêu khích trên biển của Trung Quốc, mà Mỹ không tham gia trực tiếp.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam đang thi hành công vụ ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
Bằng cách sử dụng áp lực vũ trang trực tiếp lên các vùng biển tranh chấp, Trung Quốc làm cho các nước láng giềng trông chờ hơn vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, Mỹ lại không sẵn sàng hỗ trợ quân sự vì lo ngại cuộc xung đột trực tiếp giữa Mỹ - Trung Quốc. Nói cách khác, bằng cách khiêu khích đồng minh của Mỹ bằng lực lượng, Trung Quốc đặt Mỹ vào sự lựa chọn hoặc rút lui và bỏ rơi các nước đồng minh, hoặc chiến đấu với Trung Quốc. Bắc Kinh đặt cược rằng Washington sẽ rút lui và bỏ rơi các đồng minh. Kết quả sẽ là các liên minh cũng như đối tác chiến lược được Mỹ xây dựng ở châu Á bị suy yếu, quyền lực của Mỹ sẽ bị suy giảm, còn quyền lực và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ được tăng lên.
Theo cách nhìn này, hàng loạt hành động của Trung Quốc gần đây sẽ dễ dàng được giải thích. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á, Trung Quốc đã kiểm tra sự sẵn lòng hỗ trợ đồng minh của Mỹ bằng các tranh chấp ở bãi cạn Scarborough và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 
Sau hàng loạt các hành động của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên tiếng khẳng định mạnh mẽ sự hỗ trợ của Washington đối với Tokyo và Manila.
Sau Nhật và Philippines, Việt Nam là đối tượng được Trung Quốc lựa chọn tiếp theo với hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại khu vực này, Mỹ không có quyền lợi trực tiếp.
Nguy cơ từ những ảo tưởng của Trung Quốc và Mỹ
Trung Quốc cũng có vài nguy cơ nhất định khi nước này phải luôn chắc chắn về việc Mỹ sẽ xuống thang và bỏ rơi đồng minh thay vì xung đột với Trung Quốc, kể cả khi việc xuống thang sẽ gây ảnh hưởng xấu tới vị trí của Mỹ ở châu Á. Sự tự tin này phản ánh 2 góc nhìn quan trọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Đầu tiên, Trung Quôc tin rằng khả năng chống xâm nhập/chống tiếp cận của nước này không cho phép Mỹ có một chiến thắng nhanh và dễ dàng trong trường hợp xảy ra xung đột ở vùng biển Đông Á. Về điểm này, Trung Quốc có thể yên tâm vì học thuyết quân sự Không quân-Hải quân của Mỹ cho rằng, Mỹ không thể chiến thắng trong vùng biển này nếu không thực hiện chiến dịch không kích lớn nhằm vào lãnh thổ Trung Quốc. Những cuộc không kích này dẫn đến hành động leo thang chiến tranh và có thể đạt đến mức chiến tranh hạt nhân. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng, các nhà lãnh đạo Mỹ hiểu về việc cuộc chiến với Trung Quốc là cuộc chiến Mỹ không thể tự tin chiến thắng cũng như có thể dễ dàng hạn chế.
Có sự ngộ nhận về quan điểm 2 bên của Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tin rằng mấu chốt để giải quyết vấn đề nằm ở phía Trung Quốc. Washington muốn hiện diện ở châu Á nhưng Trung Quốc lại quyết tâm chiếm lợi thế từ Mỹ. Những hành động của Trung Quốc cho thấy, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng, Washington hiểu về sự chênh lệch giữa quyết tâm đến từ 2 phía. Điều này khiến Trung Quốc tự tin rằng, các nhà lãnh đạo Mỹ biết Trung Quốc sẽ không lùi bước trước trong các cuộc khủng hoảng.
Quan điểm của Trung Quốc gây ra sự ngạc nhiên cho nhiều nước, bao gồm cả Mỹ. Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc lại dựa trên những giả thuyết ngược lại. Washington cho rằng, Bắc Kinh không muốn thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á vì Bắc Kinh không muốn phải đối đầu với Washinghton – một cuộc đối đầu mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết chắc họ sẽ thua. Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ không mở rộng vai trò của nước này ở châu Á để gánh chịu nguy cơ kể trên.
Như vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ngộ nhận lẫn nhau. Cả Washington và Bắc Kinh đều đang nâng dần các phản ứng đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc nhằm vào đồng minh hoặc đối tác của Mỹ trong khu vực. Cả Mỹ và Trung Quốc đều tin rằng bên kia sẽ là bên xuống thang để tránh cuộc xung đột. Một khả năng cao có thể xảy ra là cả 2 đều sai và cả 2 cần nhận ra điều đó để tránh một thảm họa cho châu Á.
Lê Trang