“Giương Đông, kích Tây”: Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Người Trung Quốc thường sử dụng chiến thuật "Giương Đông, kích Tây" theo binh pháp Tôn Tử…và  quyết sách của ban lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn là tối mật.


 

Ấy vậy mà  Kanwa Defense Review của Canada lại khoe rằng tạp chí này có trong tay tài liệu nội bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Tạp chí này cho biết, theo tài liệu nội bộ của PLA, Mỹ - chứ không phải Đài Loan – chính là kẻ thù giả định số một và quân đội Trung Quốc có ba cách để tiến hành chiến tranh, nếu Mỹ can dự vào cuộc chiến giữa Trung Quốc và một nước tranh chấp lãnh thổ khác :

1. Do các căn cứ của hải quân Mỹ ở xa vùng chiến sự, nếu xảy ra cuộc chiến tranh ở phía Nam Biển Đông, quân đội Trung Quốc sẽ “tốc chiến, tốc thắng” tiêu diệt kẻ thù trước khi Mỹ có thời gian cử lực lượng hải quân đến cứu viện.

2. Phá hủy các căn cứ của Mỹ, kể cả căn cứ hậu cần lẫn trung tâm chỉ huy.

3. Tiêu diệt binh sĩ Mỹ càng nhiều càng tốt và dẫn đến làn sóng phản đối chiến tranh ở ngay trong lòng nước Mỹ.
 
Rất có thể đó là tài liệu nội bộ của quân đội Trung Quốc, nhưng xem ra đó không phải là chiến lược mà ban lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc theo đuổi.

Ai là kẻ thù và ai là đồng minh của Trung Quốc?

Mỹ chắc sẽ không phải là kẻ thù của Trung Quốc vì Bắc Kinh không có xung đột đáng kể về lợi ích với Washington. Thực sự, Mỹ đang cố gắng bao vây Trung Quốc, nhưng đó là vì Washington không biết rõ Bắc Kinh có thể làm gì, khi nước này phát triển thành cường quốc kinh tế-quân sự trên thế giới.

Phía Mỹ đã nói rõ rằng nước này hỗ trợ Nhật Bản và Philippines trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng đây chỉ là cử chỉ nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát động một cuộc chiến chống lại một trong hai nước nói trên. Mỹ sẽ không bao giờ dại dột tiến hành một cuộc chiến tranh với Trung Quốc chỉ vì một vài hòn đảo nhỏ không người ở của một nước đồng minh.

Trong thực tế, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc và Nhật Bản tự kiềm chế, trong khi không hề can thiệp khi Trung Quốc “tống khứ” Philippines khỏi bãi cạn Scarborough.

Về phần mình, Trung Quốc cũng không nhất thiết phải lao vào một cuộc chiến tranh với Mỹ, trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và Philippines. Trung Quốc thừa hiểu rằng một cuộc chiến tranh với Mỹ, sẽ tạo ra một kẻ thù hùng mạnh lâu dài. Trước hết, tất cả các huyết mạch thương mại của Trung Quốc sẽ bị lâm nguy. Quân đội Trung Quốc có thể “bốc đồng”,  nhưng các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc  - một thế thế hệ học giả đã nếm mùi Cách mạng Văn hóa -  chắc sẽ chín chắn hơn, thận trọng hơn.

Trung Quốc sẽ coi Nga là một đồng minh trong việc chống lại Mỹ. Trung Quốc không sợ một nước Nga hùng mạnh có thể là một mối đe dọa vì không có xung đột lợi ích giữa Moscow và Bắc Kinh. Không những thế, cả hai nước sẽ cùng hưởng lợi từ sự hợp tác phát triển vũ khí và khai phá khu vực Siberia “đất rộng, người thưa” giàu tài nguyên của Nga.

Vậy nước nào mới bị coi là kẻ thù của Trung Quốc? Chắc chắn, Trung Quốc có ít nhất là một kẻ thù và kẻ thù đầu tiên có thể là Nhật Bản. Trung Quốc sẽ tìm cách duy trì ưu thế quân sự áp đảo so với Nhật Bản.

Vẫn “giấu mình chờ thời”?

Hiện thời, Trung Quốc chưa muốn làm cường quốc số 1 thế giới. Cường quốc số 1 có nhiều nghĩa vụ hơn lợi ích. Một trong những bài học nhãn tiền là Liên Xô từng viện trợ rất nhiều cho Triều Tiên, Cuba để duy trì sự tồn tại của hai nước này và… thu về chẳng được bao nhiêu.

Mỹ cũng đã chi rất nhiều tiền cho việc bảo vệ Nhật Bản và Philippines. Vậy Mỹ đã nhận được những gì đáp lại?

Chắc chắn, trong tương lai, GDP của Trung Quốc sẽ vượt GDP của Mỹ vì nước này có dân số lớn gấp bội. Để cho phép người dân có một cuộc sống tương đương với các nước phát triển phương Tây, Trung Quốc cần phải tiếp tục tốc độ phát triển kinh tế cao. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ luôn luôn giữ một vai trò khiêm tốn. Ngay cả khi GDP của Trung Quốc đã thực sự vượt Mỹ, sẽ là Trung Quốc vẫn cố tránh thể hiện mình là cường quốc số 1 thế giới về chính trị hay quân sự.

Bởi vì có làm như vậy, Trung Quốc mới có thể tập trung nỗ lực vào việc giảm khoảng cách giàu nghèo, phân phối phúc lợi một công bằng hơn. Nhân dân Trung Quốc sẽ được tốt hơn nếu Bắc Kinh làm như vậy, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều so với hiện nay.

“Dương Đông, kích Tây” xây nghiệp bá

Ngay sau khi Nhật Bản sửa đổi hiến pháp hòa bình và bắt đầu quá trình quân sự hóa, Trung Quốc có thể “dằn mặt” đánh đòn phủ đầu Nhật Bản. Để ngăn chặn sự tập trung của quân đội Mỹ gần Nhật Bản, Trung Quốc cần đến “sự hỗ trợ” của Philippines.

Bắc Kinh đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường thúc ép Manila vì Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ tình trạng căng thẳng cao độ kéo dài này. Philippines rất yếu và chỉ chiếm 8 bãi cát ngầm mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Nhưng Bắc Kinh  sẽ tiếp tục duy trì áp lực lớn đối với Manila và tiếp tục duy trì căng thẳng trong các vùng biển tranh chấp để Philippines và Australia cầu xin Mỹ (và thậm chí Nhật Bản) triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu ở Philippines. Làm như vậy, Trung Quốc sẽ giảm bớt lực lượng vũ trang Mỹ trong khu vực gần Nhật Bản.

Vì Philippines cách Nhật Bản khá xa nên khi Trung Quốc đột ngột tấn công Nhật Bản, các lực lượng Mỹ và Nhật Bản triển khai gần Philippines sẽ “nước xa không cứu được lửa gần” và không có đủ thời gian quay trở lại Nhật Bản để chống lại cuộc tấn công “thần tốc”  của Trung Quốc.


Lê Chân