Giáo sư Australia: Thời điểm “bất ổn” ở Đông Bắc Á

Google News

(Kiến Thức) - Đông Bắc Á trong thời điểm bất ổn do uy tín của Mỹ suy giảm; sức mạnh của Trung Quốc tăng lên; Nhật lo lắng về vị trí chiến lược.

Trả lời phỏng vấn tờ BBC nhân dịp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có chuyến thăm Australia, ông Hugh White, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định: "Cần đặc biệt lưu ‎ý là ông Abe đến Australiachỉ một tuần sau thay đổi chính sách quốc phòng của Nhật Bản với việc cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể. Vì vậy, tôi cho rằng chuyến đi này là rất quan trọng."
Ông Hugh White từng là Cố vấn Cao cấp cho Bộ trưởng Quốc phòng và Thủ tướng  Australia (1985-1991) và là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Australia (1995-2000).
Đông Bắc Á trong thời điểm nguy hiểm
Chuyến đi cũng diễn ra sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Hàn Quốc. Trong khi ông Tập ở Seoul, đã có những thay đổi chính sách ngoại giao ở Nhật Bản và Bắc Triều Tiên. Liệu có đúng khi nói rằng việc sắp xếp lại quan hệ chiến lược trong khu vực đang diễn ra?
Tôi đồng ý là vậy. Chúng ta đang nhìn thấy sự tái sắp xếp quan hệ chiến lược xuyên suốt vùng Đông Bắc Á.
Rõ ràng là sức mạnh của Trung Quốc đang tăng lên; mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang trở nên ngày càng căng thẳng. Tâm điểm xung quanh đó rất nhiên là vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng tôi nghĩ xét rộng ra, đó là bởi việc Tokyo không biết chắc chắn là Bắc Kinh muốn sử dụng quyền lực như thế nào trong khu vực. Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trở nên gần gũi hơn, biểu hiện ở chuyến thăm của ông Tập đến Seoul và bà Park Geun-hye đến Bắc Kinh. Mối quan hệ này phát triển rất mạnh.
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật. 
Sau đó là câu hỏi rất quan trọng về vai trò của Mỹ. Tôi nghĩ một trong những tâm bão chính của khu vực là nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm yếu đi vai trò lãnh đạo của Mỹ ở đây. Tôi cho rằng việc Bắc Kinh chèn ép láng giềng, vốn là bạn và đồng minh của Mỹ, về vấn đề lãnh thổ là bước đi nhằm chứng tỏ cho các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á thấy rằng Mỹ không còn là đồng minh mạnh như xưa nữa.
Tôi cho là bởi quá trình đó bắt đầu, uy tín của Mỹ trong khu vực đang giảm xuống. Và sức mạnh của Trung Quốc tăng lên, Nhật Bản trở nên lo lắng hơn về vị trí chiến lược của họ; và Hàn Quốc đang xem xét việc cân nhắc lại việc dịch chuyển mối quan hệ từ Mỹ sang Trung Quốc, vì vậy có rất nhiều điều đang diễn ra. Đây là thời khắc đầy bất ổn và tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm trong lịch sử Đông Bắc Á.
Vai trò của Triều Tiên ở đâu trong thay đổi chiến lược này?
Tôi nghĩ Triều Tiên nằm một chút bên ngoài những phát triển này. Rõ ràng họ là một phần khu vực, nhưng một trong những điều khác lạ trong các tình huống chiến lược này là tất cả các bên đều có chung quan điểm về Bình Nhưỡng: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mỹ đều muốn Triều Tiên hành xử khác đi và bớt bất thường hơn.
Nhưng đó không thay đổi sự khác biệt giữa các bên. Trong khi tôi nghĩ chúng ta đang xem xét những mối quan hệ khác biệt như Trung - Nhật, Mỹ - Nhật, bản chất của chúng khác hẳn so với những gì đã diễn ra trong quá khứ.
Australia liệu có thực sự đứng về phe khác với Trung Quốc?
Với chuyến thăm của ông Abe tới Australia có các thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?
Tôi nghĩ Bắc Kinh sẽ lo ngại về bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Australia đang tiến gần hơn với Nhật Bản một cách chiến lược trong giai đoạn mối quan hệ Trung – Nhật đang trở nên ngày càng khó khăn và căng thẳng. Tôi cho là sẽ có một vài tuyên bố lo ngại từ Trung Quốc.
Nó cũng sẽ đưa ra một câu hỏi lớn hơn, dù Bắc Kinh có thích hay không, là liệu cách tiếp cận của ông Abe nhằm xây dựng một mối quan hệ quốc phòng mạnh hơn với các quốc gia như Australia là nhạy cảm? Không có nghi ngờ gì về mục đích chính của ông Abe là lôi kéo các nước như Australia vào mối quan hệ chiến lược với Nhật Bản để có sự ủng hộ trong trường hợp Tokyo đối đầu với Bắc Kinh.
Vì thế có cảm giác là Nhật Bản đang nỗ lực xây dựng liên minh với các nước, và chúng ta không nên ngạc nhiên rằng Trung Quốc không thích điều này. Chúng ta có thể đặt thêm câu hỏi là liệu như vậy có tốt cho lợi ích của nước Nhật hay không, và liệu đó có phải là cách tốt để giải quyết với những thách thức và xây dựng liên minh chống lại Trung Quốc hay không.
Đúng vậy, nhưng liệu Australia thực sự muốn bị lôi kéo vào một liên minh chống lại Trung Quốc? Dù sao Australia cũng phụ thuộc lớn vào thương mại với Bắc Kinh.
Đó là một tình huống rất khó xử cho Australia. Chúng ta có mối quan hệ thương mại cực kỳ quan trọng với Nhật Bản, và thậm chí quan trọng hơn với Trung Quốc, lại là đồng minh thân cận của Mỹ. Chúng ta không muốn phải có sự lựa chọn nào giữa các nước này. Và khá là ngạc nhiên là chính quyền Thủ tướng Australia Abbott có vẻ sẵn sàng khi ông Abe muốn họ gần hơn với Nhật Bản. Thủ tướng Abbot nói rằng Nhật Bản là một đồng minh mạnh, và rằng Tokyo là bạn thân nhất của họ ở châu Á.
Có một tâm lý băn khoăn ở Australia về việc vì sao ông Abbott nghĩ là nên gần gũi hơn với Nhật Bản, đặc biệt trong thời điểm mà nước này đang bị cuốn vào một vòng xoáy thù địch chiến lược với đối tác thương mại quan trọng nhất của Canberra. Việc tiến sát Nhật Bản không đồng nghĩa phục vụ cho lợi ích tốt nhất của Australia.
Ván bài của Trung Quốc và Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương
Khi chúng ta đang nói chuyện, Nhật Bản và Hàn Quốc cấm các tàu cá của nhau hoạt động lần đầu tiên kể từ 1999; ngày 4/7, Trung Quốc bắt sáu ngư dân Việt Nam…Tất cả những điều trên cho thấy xung đột đang tiềm ẩn, có đúng vậy không?
Vẫn còn lâu mới đến thời điểm những điểm xung đột đó trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự. Nhưng chắc chắn nguy cơ là có thật và đang tăng dần lên, đặc biệt là điểm nóng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lý do mà tôi nghĩ điểm nóng này là nguy hiểm nhất là bởi nó sẽ kéo nước Mỹ vào thế đối đầu với Trung Quốc. Tôi cho là bất kỳ xung đột nào giữa các cường quốc sẽ cực kỳ nguy hiểm cho cả khu vực, và đang không rõ là những xung đột này đi đến đâu.
Nhưng có vẻ Bắc Kinh cho là Washinhton ngần ngại can dự vào, đặc biệt là dưới thời ông Obama. Có một tâm lý ở Bắc Kinh là Washington nói mạnh nhưng thực tế thì chả làm gì cả.
Chính xác. Bằng việc dồn ép Philippines và Việt Nam, Trung Quốc đang muốn cho các đồng minh và bạn của Mỹ thấy là Mỹ không thể tin tưởng được. Bằng hành động đó, Trung Quốc hy vọng sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Họ đang đánh cược rằng Mỹ sẽ không đối đầu với Trung Quốc.
Người ta có thể hiểu vì sao Bắc Kinh nghĩ vậy. Chúng ta có thể thấy bảng thành tích của Obama ở Trung Đông, rằng Mỹ rất do dự khi quyết định tham gia vào xung đột ở đây, ở Ukraine, và các nơi khác.
Nhưng có rủi ro là suy nghĩ đó có thể sai, bởi lợi ích của Mỹ ở châu Á là rất quan trọng. Ví dụ như nếu họ thất bại trong việc trợ giúp Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng ở Senkaku/Điếu Ngư, điều này sẽ làm tổn hại quan hệ của Mỹ với Nhật, cũng như vị trí của Washington tại khu vực.
Trung Quốc có thể đã sai bởi Mỹ có thể muốn trợ giúp Nhật Bản. Đó là lý do vì sao rủi ro đối đầu là khá cao. Chúng ta có một tình huống cổ điển ở đây như hồi năm 1914 (thời điểm Chiến tranh Thế giới 1 diễn ra). Trung Quốc nghĩ có thể dồn ép bởi Mỹ sẽ lùi bước, còn Mỹ cũng nghĩ có thể dồn ép bởi Trung Quốc sẽ lùi bước. Cả hai có thể đều sai.
Vậy chúng ta có thể lặp lại thảm kịch xảy ra một thế kỷ trước?
Đúng vậy. Dù đã có nhiều thay đổi trong một trăm năm qua, cách các cường quốc hành xử vẫn giữ nguyên. Tôi không muốn đưa đẩy việc so sánh này lên nữa, nhưng có nhiều điểm chung trong tình huống này.
Trong quyển sách gần đây của ông, ông có vẻ như gợi ‎ý rằng Trung Quốc và Mỹ nên chia sẻ quyền lực ở châu Á. Ông có thể nói rõ thêm được không?
Cuốn sách nhằm làm sáng tỏ cho câu hỏi rằng liệu Mỹ và Trung Quốc có thể sống hòa bình ở châu Á được không?
Điểm khởi đầu cho tranh luận của tôi là Trung Quốc suy nghĩ rất nghiêm túc về việc thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á.
Phản ứng lại thách thức đó, Mỹ có những lựa chọn khá hạn chế. Một trong số đó tất nhiên là rút lui khỏi châu Á. Đó là kết quả rất tệ cho châu lục này, và cho cả Mỹ nữa.
Lựa chọn thứ hai là Mỹ đối đầu Trung Quốc, từ chối đưa ra nhượng bộ và chấp nhận thách thức từ Bắc Kinh. Đây là điều mà nhiều người ở Mỹ muốn, nhưng vấn đề là nó sẽ không hiệu quả. Trung Quốc quá mạnh. Bất cứ nỗ lực nào nhằm đối đầu thách thức của họ sẽ có kết cục là làm leo thang đối đầu chiến lược với Trung Quốc, điều mà Mỹ không thể thắng trong dài hạn. Và nó cũng làm cho khu vực trở nên bất ổn.
 Quan hệ Trung-Nhật căng thẳng vì tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Tranh luận của tôi là về lựa chọn thứ ba, là để Mỹ và Trung Quốc chia sẻ quyền lực. Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò lớn ở châu Á, nhưng không mạnh như trước. Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn, nhưng không lớn như họ muốn. Cả hai cũng phải tạo ra không gian cho các nước lớn trong khu vực, như Nhật Bản và Ấn Độ.
Chính xác là cấu trúc chia sẻ quyền lực này hoạt động thế nào thì rất khó để xây dựng. Nhưng đó sẽ là giải pháp tốt nhất cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực, và toàn thế giới trong những thập niên sắp tới.
Washington sẽ không để mắt đến gợi ý này?
Chắc chắn là không ai ở Washington thích ý tưởng này, nhưng câu hỏi là liệu Mỹ có lựa chọn nào khác không? Và nếu lựa chọn khác đó là leo thang căng thẳng chiến lược với Trung Quốc, hay rút lui khỏi châu Á, thì có lẽ chia sẻ quyền lực với họ là tốt hơn.
Châu Âu có can dự vào những sự thay đổi chiến lược này ở châu Á?
Tôi nghĩ châu Âu sẽ là một đối tác kinh tế rất quan trọng ở châu Á. Nhưng tôi không cho là họ sẽ đóng một vai trò chiến lược nào trong khu vực. Với sức mạnh, kích thước của các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Ấn Độ, tôi nghĩ sẽ rất khó để châu Âu đóng vai trò đáng kể ở đây. Tôi nghĩ tương lai chiến lược của châu Á trong thế kỷ này sẽ là lần đầu tiên sau vài trăm năm được định đoạt bởi chính họ.
Sẽ rất khó để châu Âu có hiện diện quân sự tại châu Á.
Có hai lý do. Một là vấn đề quan tâm chiến lược của châu Âu trong vài thập niên tới sẽ là bảo toàn sự ổn định bên trong lãnh thổ của họ. Đặc biệt là trong những ngày này, khi sự chú ý đang được chuyển sang biên giới phía đông với Nga. Tôi nghĩ nó sẽ thu hút nhiều sự chú ‎ý của châu Âu. Thứ hai, là để đóng một vai trò chiến lược ở châu Á, châu Âu sẽ phải có sức mạnh hải quân. Sẽ ngày càng khó để làm như vậy. Bởi thế, tôi nghĩ sẽ rất khó để châu Âu có vai trò đáng kể nào tại đây.
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung (SED) sẽ diễn ra trong tuần này, và đó là một phần chính sách ngoại giao của Mỹ. Nhìn chung, ông đánh giá như thế nào về chính sách ngoại giao của Obama trong nhiệm kỳ hai?
Trước tiên, nhiều người đổ lỗi cho Tổng thống Obama vì đã tương đối yếu ớt, ví dụ như phản ứng của Mỹ với những gì đang diễn ra ở Trung Đông và ở Ukraine. Tôi nghĩ như vậy là không công bằng và hơi quá đơn giản hóa. Những gì diễn ra với chính quyền Obama là nước Mỹ đã đến lúc phải hiểu rằng, họ không còn mạnh như trước. Tôi không nghĩ Mỹ đang suy yếu, mà vẫn là một quốc gia hùng mạnh vượt trội. Nhưng một thời gian dài sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, người ta thường nghĩ sức mạnh của Mỹ là không có giới hạn. Điều này luôn sai.
Ông Obama phải giải thích cho người Mỹ hiểu rằng có nhiều thứ họ không phải muốn là làm được. Như chúng ta thấy, họ không thể tạo ra một Iraq hòa bình, không thể bình ổn hay biến đổi Afghanistan, và cũng không thể ngăn chặn Nga thống lĩnh Ukraine. Và tôi phải nói rằng, Mỹ không thể duy trì sự thống trị ở châu Á trước thách thức từ Trung Quốc.
Ở đây, tôi nghĩ chính sách ngoại giao của Obama là không hiệu quả; trong khi ở những nơi khác trên thế giới, ông đã thừa nhận là Mỹ phải lùi bước bằng việc không giữ một vai trò chủ đạo như George Bush từng muốn.
Ở châu Á, ông Obama muốn giữ vai trò chủ đạo của Mỹ, và phản ứng lại bất cứ thỏa hiệp nào với Trung Quốc. Đó thực sự là chính sách “xoay trục” của Obama. Ngay chính giữa của chính sách xoay trục là ý tưởng rằng nước Mỹ phải sử dụng, như lời Tổng thống Obama, tất cả các yếu tố của sức mạnh Mỹ để bảo vệ hiện trạng, không chấp nhận nhượng bộ với Trung Quốc. Tôi nghĩ đó là chính sách sai lầm. Tôi cho là ông ấy không thực hiện nó một cách hiệu quả.
Cuối cùng, chính sách xoay trục đã không đưa lại nhiều sức mạnh Mỹ đến châu Á. Nếu nó làm được, sẽ khó để chỉ đơn giản là chấp nhận thách thức từ Trung Quốc và từ chối thỏa hiệp. Sau cùng, Trung Quốc hiện đang gần có một nền kinh tế lớn hơn Mỹ tính theo ngang giá sức mua (PPP). Vì thế việc Trung Quốc đối đầu với Mỹ là mối nguy lớn nhất mà Mỹ từng đối mặt. Về mặt kinh tế, họ mạnh hơn hẳn Liên Xô ngày xưa. Vì thế tôi nghĩ sẽ không thực tế cho chính sách ngoại giao của Obama khi cứ giả định rằng Mỹ có thể duy trì địa vị số một tại châu Á và từ chối thỏa hiệp với Trung Quốc. Nhưng đó là điều mà Obama đã cố làm. Ông ấy đã thử và thất bại, kết quả là uy tín an ninh của Mỹ tại châu Á đã bị xói mòn.
Tôi nghĩ đó là những thứ mà chúng ta thấy trong việc Nhật Bản lo lắng về tương lai đồng minh của mình. Và đó là thứ đứng phía sau các thay đổi trong chính sách ngoại giao gần đây của Nhật Bản.
Thanh Nga (Theo BBC)