Vấn đề "liên bang hóa” Syria tiếp tục khuấy động dư luận thế giới. Liệu "kế hoạch B" sẽ có dễ thực thi? Cán cân chính trị quyền lực ở Syria hiện nay như thế nào? Tại sao cuộc chạy đua giải phóng Raqqa, “thủ phủ” của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc nội chiến Syria?
|
Xe tăng của Quân đội Syria trên đường tiến đánh Raqqa. Ảnh brookings.edu |
Nhà khoa học chính trị Oussama El-Mohtar - nhà văn, nhà dịch thuật sống ở Ottawa (Canada) và từng viết về các vấn đề Syria bằng cả tiếng Anh và tiếng Arập - tìm cách trả lời những câu hỏi nói trên trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Liên bang hóa Syria và nhà nước của người Kurd
Về vấn đề liên bang hóa Syria và khả năng thành lập một nhà nước của người Kurd, nhà khoa học chính trị Oussama El-Mohtar nhấn mạnh: "Đây là một vấn đề rất hệ trọng và nó phải được xử lý một cách cẩn thận thấu đáo. Liệu có phải mục tiêu chính của cuộc nội chiến Syria là để thiết lập một hệ thống liên bang mới? Câu trả lời của tôi là không. Tôi nghĩ rằng mục tiêu chính (của kế hoạch B) là tàn phá Syria, làm tan rã quân đội và các cấu trúc xã hội của nước này. Nếu mưu đồ này thành công, kết quả sau đó có thể là một hệ thống liên bang hoặc một cái gì đó còn tồi tệ hơn”.
Ông El-Mohtar lưu ý đến một thực tế rằng mặc dù đã phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng ở Syria, những bên theo đuổi chiến tranh đã không thể làm tan rã quân đội Syria và cấu xã hội Syria.
"Trong khi cơ cấu xã hội Syria hứng chịu nhiều tổn thất, quân đội Syria xem ra vẫn còn khá nguyên vẹn. Có một số sĩ quan cao cấp và một số quan chức chính phủ cấp cao đã đào ngũ hoặc chạy sang hàng ngũ đối lập. Nhưng phần lớn các quan chức chính phủ và quân đội Syria vẫn ở lại. Quân đội Syria phản ánh một sự kết hợp xã hội và hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Quân đội này vẫn còn chiến đấu sau 5 năm bị tấn công liên tục trên tất cả các mặt trận phía đông và phía tây, phía bắc và phía nam”.
Trả lời câu hỏi liệu một hệ thống liên bang có thể được áp dụng đối với Syria, với một vùng đất tự trị của người Kurd, học giả El-Mohtar nói: "Chúng ta hãy nhìn vào lịch sử. Khi người Pháp chiếm đóng Syria sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, họ đã cố gắng chia cắt đất nước này thành 5 bang tự trị như thể hiện trong bản đồ dưới đây”.
|
Bản đồ hiển thị trạng thái chia cắt ở Syria dưới sự cai trị của Pháp 1921-22. Minh họa Wikipedia |
"Trở lại với năm 1920, sự chia cắt này không thể trở thành hiện thực nếu không làm tan rã quân đội Syria non trẻ và yếu ớt sau trận Mayslaoun. Và tôi nghi ngờ rất nhiều về việc điều đó lại tái diễn vào thời điểm hiện nay, nếu người ta (phương Tây) không làm tan rã được Quân đội Syria đang đấu tranh cho sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.
"Vấn đề của người Kurd lớn hơn, phức tạp hơn và có ý nghĩa sâu rộng hơn nhiều so với một nhà nước Druze do đông đảo người Kurd đang sinh sống ở bốn quốc gia cụ thể là Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Người ta chỉ có thể thành lập một nhà nước hoặc tiểu bang mới của người Kurd, nếu phá hủy được nhà nước và quân đội của 5 nước nêu trên. Khu tự trị của người Kurd ở Iraq chỉ có thể được thành lập sau khi quân đội Iraq của Tổng thống Saddam Hussein đã bị loại bỏ hoàn toàn. Ở Syria, điều này khó thực hiện hơn”. Ông nói thêm xem ra Thổ Nhĩ Kỳ rất quan ngại về một viễn cảnh như vậy.
Có hay không phe đối lập “ôn hòa” ở Syria?
Trong khi phương Tây cam kết trợ cho phe đối “ôn hòa” hoặc "dân chủ" ở Syria, câu hỏi đặt ra là liệu phe đối lập ở nước này có thực sự “lành mạnh” vào thời điểm hiện nay?
Trả lời câu hỏi này, nhà khoa học chính trị Oussama El-Mohtar nói: "Tôi nghĩ rằng câu hỏi này có thể là hợp lệ cách đây 5 năm trước. Vào thời điểm hiện tại, khi Nhà nước Syria đang bị phá hủy một cách có hệ thống, câu hỏi này gây ra rất nhiều tranh cãi ”.
"Nói cách khác, phe đối lập Syria đang chống lại ai và chống những gì ? Liệu họ có chống lại sự chiếm đóng một khu vực rộng lớn ở đất nước họ? Họ có chống lại việc (IS) chặt đầu đồng bào của họ? Họ có chống lại các hành vi trộm cắp tài nguyên và cơ sở hạ tầng công nghiệp của đất nước? Họ có chống lại sự phá hủy của các di sản văn hoá và sự gắn kết xã hội ở Syria?”
Hồi tháng 7/2015, nhóm Ahrar al-Sham đã đăng một bài trên tờ Washington Post tuyên bố rằng tổ chức này là "ôn hòa" và thề sẽ thiết lập một "chính phủ ổn định và có tính đại diện ở Damascus”. Thế nhưng, liệu người ta có thể coi các nhóm Ahrar al-Sham và Jaish al-Islam là một phần của phe “đối lập dân chủ” Syria ?
Học giả El-Mohtar trả lời: "Ủy ban đàm phán cấp cao (mà Ahrar al-Sham và Jaish al-Islam có đại diện) chỉ đại diện cho quyền lợi của các bên tài trợ và dung dưỡng nó - chủ yếu là Vương quốc Ả-rập Xê-út và ở mức độ thấp hơn là Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar”.
"Tôi không chắc chắn rằng hai nhóm Ahrar al-Sham và Jaish al-Islam là ‘đối lập dân chủ’. Tên đầy đủ của 'Ahrar Asham' là 'Harakat Ahrar Ash-Sham Al-Islamiah'( Các phong trào Hồi giáo Shami tự do) và Jaish Al-Islam là Quân đội Hồi giáo. Cả hai đều là thành phần của Mặt trận Hồi giáo Syria. Như vậy đối với hai nhóm này, Hồi giáo là trên hết và sau đó mới đến Syria".
"Theo quan điểm của tôi, tôn giáo và dân chủ khó pha trộn với nhau mà thường loại trừ lẫn nhau... Tôn giáo là độc quyền, dân chủ là bao dung. Do đó, việc nói rằng một nhà nước hay một phong trào chính trị ‘vừa tôn giáo vừa dân chủ’ là nghịch lý".
Giải phóng Raqqa để bảo tồn tính toàn vẹn của Syria
Sự chú ý của cộng đồng quốc tế đang tập trung vào cuộc chạy đua giải phóng Raqqa từ tay phiến quân IS giữa Quân đội Syria (SAA) và Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn. Vì sao việc giải phóng Raqqa lại có ý nghĩa rất quan trọng? Vì sao việc Quân đội Syria tái chiếm Raqqa trước SDF lại có thể thay đổi diễn biến của cuộc chiến tranh Syria?
Về câu hỏi này, học giả El-Mohtar trả lời: "Việc Quân đội Syria và các đồng minh giải phóng Raqqa sẽ là một đòn nặng giáng vào mưu đồ liên bang hóa. Đáng chú ý là có nhiều lực lượng dân chủ ở Syria đang chiến đấu bên cạnh Quân đội Syria trong chiến dịch giải phóng Raqqa”.
Minh Châu (Theo Sputnik)
Minh Châu (Theo Sputnik News)