EAEU chuyển sang chế độ tự do thương mại với Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Từ ngày 5/10/2016, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) sẽ chuyển sang chế độ tự do thương mại với Việt Nam, theo Bộ trưởng Thương mại của Ủy ban Kinh tế Á-Âu.

Bộ trưởng Thương mại của Ủy ban Kinh tế Á-Âu Veronica Nikishina cho biết: "EAEU đã ký kết với Việt Nam Hiệp định thương mại tự do đầu tiên. Và từ tháng 10/2016, hiệp định này sẽ có hiệu lực. Chúng tôi đã hoàn thành tất cả các thủ tục phê chuẩn cần thiết và sau đó 60 ngày sẽ bắt đầu thực hiện thỏa thuận".
EAEU chuyen sang che do tu do thuong mai voi Viet Nam
Lãnh đạo các nước EAEU. Ảnh Sputnik  
Trong một cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, Vụ trưởng Vụ Châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Phát triển Kinh tế Nga Vsevolod Vovchenko cho biết: "Sau khi Hiệp định (FTA EAEU-Việt Nam) đi vào hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương Nga-Việt Nam trong những năm tới có thể tăng cao gần gấp hai lần, lên đến 10 tỷ USD. Trong bảy tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Nga-Việt đã tăng thêm - theo số liệu thống kê của Nga - 11%, và theo số liệu của Việt Nam - nhiều hơn nữa. Tự do thương mại giữa hai nước khiến cả hai bên đều có lợi. Các công ty của Nga và Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế".
Sau khi FTA EAEU-Việt Nam chính thức có hiệu lực, hai bên sẽ xóa bỏ thuế quan gần 2/3 tổng số dòng thuế trong danh mục thương mại song phương. Điều này sẽ mở ra khả năng tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam các thứ hàng hóa như thịt, gia cầm, phô mai, bơ, bột mì, phân bón, xăng dầu, xe tải và xe buýt, lốp xe và ống thép. Và phía Việt Nam có thể gia tăng đáng kể khối lượng hàng hoá xuất khẩu sang Nga và các nước khác của EAEU như cá, gạo, trái cây và rau quả, hàng gia dụng, sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ và da giày, đồ điện tử. Cùng ngày 5/10, Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam cũng sẽ đi vào hiệu lực. Các nhà đầu tư Nga sẽ có khả năng thành lập ở Việt Nam những liên doanh sản xuất và lắp ráp ô tô.
Các dự án ưu tiên đầu tư của hai nước có ý nghĩa lớn và đóng vai trò quan trọng trong điều kiện tự do thương mại. Hiện có 21 dự án đầu tư chung, trong đó 16 dự án do Nga đề xuất, và 5 dự án do Việt Nam đề xuất.
Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt Nam đã chấp nhận đề xuất của Nga về việc cung cấp cho Việt Nam máy bay chở khách phản lực Ilyushin IL-114 cũng như đề xuất của Việt Nam thúc đẩy dự án của Tập đoàn True Milk về xây dựng một tổ hợp chăn nuôi bò và chế biến sữa hiện đại ở ngoại ô Moscow. Khối lượng đầu tư của Việt Nam vào các dự án đó dự kiến đạt 500 triệu USD. Các đại biểu tham gia phiên họp của Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt Nam đều bày tỏ ý định đẩy nhanh quá trình chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là một điểm khởi đầu tốt để hàng hóa của Nga và củ các nước EAEU khác tiếp cận thị trường ASEAN - trước hết thị trường của Lào, Campuchia, Thái Lan và Indonesia.
Các nước Indonesia và Singapore đã nộp đơn xin đàm phán về thương mại tự do với EAEU. Trong quá trình Diễn đàn kinh tế phương Đông, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng cho biết về ý định ký kết thỏa thuận với EAEU.
Hiệp định về việc thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu đã được ký kết tháng 5 năm 2014 và có hiệu lực từ năm 2015. Liên minh này bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và sau đó thêm Kyrgyzstan.
Minh Châu (Theo Sputnik)