Chính phủ Đức dường như đi đến kết luận rằng cách duy nhất để chiến đấu chống phiến quân IS là gia nhập liên minh chống khủng bố, mặc dù vẫn giữ nguyên quan điểm rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad Assad phải từ chức.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng von der Leyen tuyên bố rằng “sự thiếu đoàn kết giữa các lực lượng đối lập cũng là một lý do khiến nhóm khủng bố IS phát triển mạnh. Cuộc chiến chống IS phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đối với Pháp cũng như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, các nước Ả-rập và chúng tôi”.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen.
|
Sau đó cùng ngày, bà xuất hiện trên mạng truyền hình ZDF để nói rõ quan điểm: “Rõ ràng là ông Assad sẽ không có tương lai. Đó là lý do tại sao giai đoạn chuyển tiếp chính trị rất quan trọng. Nhưng có thể dựa vào một số bộ phận của quân đội Syria, giống như trường hợp của Iraq nơi hoạt động đào tạo binh sĩ địa phương khá thành công”.
Hợp tác tạm thời với chính phủ Damascus
Ý tưởng về một thỏa thuận tạm thời với chính phủ Syria dường như xuất phát từ Pháp, nơi Bộ trưởng Ngoại giao Laurent Fabius để ngỏ khả năng hợp tác với các lực lượng Syria đánh IS “trong khuôn khổ của quá trình chuyển tiếp chính trị”.
Ông Wolf Ischinger – Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich – nói với báo Handelsbatt : “Binh sĩ chính phủ Syria trở thành vấn đề cần được thảo luận. Chúng tôi sẽ 'chịu đựng' ông Assad trong tương lai gần”.
Khả năng thành lập liên minh chống IS được đưa ra cùng ngày khi Tổng thanh tra Quân đội Đức Volker Wieker tiết lộ trên báo Bild rằng chính phủ Đức đang tìm cách thuyết phục quốc hội cho phép đưa khoảng 1.200 quân nhân tới Syria để “vận hành tàu chiến và máy bay”. Đây sẽ là hoạt động quân sự lớn nhất của Đức kể từ Chiến tranh Thế giới II, mặc dù hầu hết số quân nhân này sẽ hỗ trợ hoạt động trinh sát.
Tuy nhiên, ông cũng ủng hộ quan điểm của chính phủ rằng Đức sẽ không ném bom xuống Syria.Cho đến nay, Đức mới chỉ điều các chiến đấu cơ Tornado làm nhiệm vụ trinh sát trong chiến dịch quân sự tại Syria.
|
Máy bay Tornado của Đức. Ảnh: Reuters. |
Đối với Đức, điều quan trọng là thể hiện tình đoàn kết với Pháp. Quân đội Đức đã nhất trí điều 650 binh sĩ hỗ trợ Pháp chiến đấu chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Mali. Nhưng theo Josef Janning - người đứng đầu Văn phòng của Đức tại Hội đồng châu Âu, số lượng này là chưa đủ.
Hoài nghi trong nội bộ Đức
Nhưng liệu hành động can thiệp quân sự nhiều hơn cuối cùng có mang lại hòa bình cho Syria?
Ông Janning tỏ ra thận trọng về lập luận của bà von der Leyen rằng việc huấn luyện các chiến binh người Kurd Peshmerga ở miền bắc Iraq đã giúp đẩy lui tổ chức khủng bố IS.
“Đó là một lập luận rất mơ hồ. Tôi nghĩ rằng sự hỗ trợ của lực lượng Peshmerga không phải là yếu tố thay đổi cục diện chiến trường. Có nhiều yếu tố khác nhau”, Janning nhận định.
Ý định sẵn sàng hợp tác với một số lực lượng ở Syria của Bộ trưởng von der Leyen, dù chỉ là tạm thời, đã vấp phải sự phản đối từ Đảng cánh tả đối lập (phản đối bất kỳ hành động quân sự nào của Đức theo nguyên tắc) và Đảng Xanh (luôn đề nghị hỗ trợ một cách thận trọng trong hoạt động quân sự chống IS).
Thủ lĩnh nhóm nghị sĩ Đảng Xanh ở Quốc hội, Katrin Göring-Eckardt, khẳng định trên báo Passauer Neue Presse rằng: “Tôi không chấp nhận hoạt động quân sự mà chúng ta sẽ kề vai sát cánh với Assad”.
Thậm chí, một số đảng phái chính trị đứng về phía bà von der Leyen cũng tỏ ra hoài nghi.
Norbert Rottgen – một thành viên của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo kiêm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức – đã bày tỏ những lo ngại của ông hôm 30/11: “Dĩ nhiên, ông Assad là nguồn gốc chính của vấn đề trong khu vực. Chế độ của Assad không có tương lai. Việc hợp tác với binh sĩ của ông ấy sẽ làm mất tính hợp pháp của chúng ta”, Norbert phát biểu.
Thiên An (Theo DW)