Một cuốn sách mới xuất bản ở Đức tiết lộ về việc trùm phát xít Adolf Hitler, các binh sĩ tham gia "cuộc chiến chớp nhoáng" Blizkrieg đều sử dụng ma túy Pervitin.
Cuốn sách “The Total Rush, Drugs in the Third Reich” của tác giả Norman Ohler lột tả bộ mặt một chế độ với cuộc sống lành mạnh chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Thực chất bên trong Đức Quốc xã, các nhà lãnh đạo và binh sĩ lại chìm trong chất kích thích, gây nghiện.
|
Bác sĩ Theodor (thứ hai từ trái sang) điều trị cho trùm phát xít Adolf Hitler (trung tâm) bằng một loại ma túy.
|
Ohler đã nghiên cứu hồ sơ của chỉ huy cấp cao Đức Quốc xã, các công ty chuyên sản xuất chất kích thích cho binh sĩ cùng hồ sơ cá nhân của Theodor Morrell – bác sĩ tư nhân của Adolf Hitler.
Cuốn sách của Ohler cũng phơi bày sự thật về những lời nói dối của Hitler. Chiến dịch tuyên truyền của Hitler nhấn mạnh tầm quần trọng của việc duy trì thể lực, tránh xa rượu và thuốc lá để giữ tinh thần minh mẫn, khỏe mạnh.
Nhưng trên thực tế, Đức Quốc xã lại cho các binh sĩ sử dụng các chất gây nghiện. Khi sử dụng ma túy, họ chiến đấu "hăng hái" hơn trong khi ăn ngủ ít hơn so với “kẻ địch”.
Ohler cho biết, khi Đức Quốc xã xâm lược Pháp hồi tháng 5/1940, 35 triệu binh sĩ và quan chức của Đức Quốc xã sử dụng chất kích thích hàng ngày. Và trong cuộc xâm lược Liên Xô vào năm 1941, hàng trăm nghìn binh sĩ tham chiến đều sử dụng ma túy. Theo thống kê của quân đội Đức, khoảng 200 triệu viên Pervitin được phát cho binh sĩ trong khoảng từ năm 1939 đến 1945.
|
Loại ma túy Pervitin mà Đức Quốc xã phát cho các binh sĩ để tăng sức chiến đấu.
|
Nghiên cứu của Hiệp hội các bác sĩ Đức cũng chỉ ra rằng, Đức Quốc xã đã phát triển một loại chất kích thích dựa trên cocaine dành cho những người lính chiến đấu ở tiền tuyến.
Loại chất kích thích với tên mã D-IX được thử nghiệm trên tù nhân tại trại tập trung Sachsenhausen. Sau khi sử dụng, các tù nhân có thể vác những bao tải nặng hơn 70kg và đi suốt hơn 100 km mà không nghỉ.
|
Đức Quốc xã thử nghiệm một loại ma túy trên các tù nhân trong trại tập trung.
|
Theo Ohler, vào mùa thu năm 1944, Adolf Hitler trở nên nghiện loại ma túy Eukodal khi sức mạnh của Đức Quốc xã ngày càng suy giảm.
“Ông ta sử dụng loại ma túy mạnh này để cảm thấy phấn khích. Các tướng lĩnh dưới quyền liên tục nhắc Hitler phải thay đổi chiến thuật, rằng 'chúng ta sắp thất thủ'. Tuy nhiên, Hitler không muốn nghe và tiếp tục chìm trong ma túy”, Ohler cho biết.
|
Năm 1945, Hitler tự kết liễu đời mình trong hầm trú ẩn.
|
Ngày 30/4/1945, Hitler tự vẫn trong căn hầm trú ẩn tại Berlin, Đức. Morrell cũng bị bắt giữ và chết vì bệnh lao vào năm 1948.
|
Nguyên soái Không quân Đức Quốc xã Hermann Goering là một người nghiện morphine.
|
Tiến sĩ Peter Masterson – một sử gia người Mỹ - cho biết: “Đó là một cái kết hợp lý đối với kẻ phản đội y đức. Hắn là một kẻ có tội nhưng ở một phương diện khác, các nước đồng minh nên cám ơn Morrell vì đã biến Adolf Hitler trở thành một kẻ nghiện ma túy và không thể tiếp tục gây ra tội ác chiến tranh”.
Thiên An (Theo DM)