Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Iran vi phạm tinh thần của thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt năm 2015 và dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này cũng như đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, Iran đã có phản ứng về điều này. Trong khi đó một số nước Trung Đông lại bày tỏ ủng hộ ông Donald Trump và cho rằng Iran là mối đe dọa an ninh ở khu vực.
|
Tổng thống Iran - Rowhani. (Ảnh: AP) |
Trong một phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Hassan Rowhani cho rằng Mỹ phải tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Bởi bất kỳ một động thái nào của phía Mỹ sẽ là một đòn đánh vào thỏa thuận hạt nhân. Tổng thống Rowhani nhấn mạnh đây không phải là thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Iran mà là thỏa thuận đa phương, đồng thời bác bỏ việc sửa đổi các điều khoản của thỏa thuận này, cũng như cáo buộc Mỹ đã sử dụng bom hạt nhân và cung cấp vũ khí hạt nhân cho Israel.
Theo ông Rowhani, Tổng thống Mỹ không thể hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua. Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân và hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cũng như cho rằng phát biểu của Tổng thống Mỹ là những lời buộc tội, vô căn cứ, chống lại Iran.
Cùng trong ngày hôm qua, 13/10, Tổng thống Iran đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và khẳng định Iran thực hiện đúng cam kết của thỏa thuận hạt nhân, cũng như hợp tác với IAEA. Theo ông Ru-ha-ni, IAEA là cơ quan duy nhất xác minh cam kết của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân. Ông kêu gọi tất cả các bên tuân thủ cam kết JCPOA và không cho phép Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc Quốc hội Mỹ có hành động không chính xác đối với thỏa thuận này.
Ông cũng kêu gọi Liên minh châu Âu và Iran duy trì hợp tác để chống lại các hành động chống lại JCPOA. Trong khi đó, Tổng thống Macron nói rằng Pháp đã quyết tâm thúc đẩy quan hệ với Tehran trong tất cả các lĩnh vực, cũng như khẳng định EU và Pháp bảo vệ thỏa thuận chặt chẽ và cam kết thực hiện đầy đủ các thỏa thuận. Ông Macron kêu gọi Iran tiếp tục hợp tác với IAEA và tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi đó, Chính phủ Ả Rập bày tỏ hoan nghênh chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Iran cũng như ca ngợi tầm nhìn của ông về vấn đề này và cam kết hợp tác đồng minh với Washington. Tuyên bố của Ả-rập Xê-út nêu rõ nước này ủng hộ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước (P5 + 1) và tin rằng đây là cơ sở để hạn chế sự bùng phát của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt trong khu vực và trên thế giới, cũng như ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân dưới mọi hình thức. Tuyên bố nói thêm rằng “Iran sử dụng các lợi ích kinh tế của việc dỡ bỏ lệnh cấm vận để gây mất ổn định ở khu vực, đặc biệt là thông qua sự phát triển của chương trình tên lửa đạn đạo, hỗ trợ phong trào Hezbollah và lực lượng dân quân Huthi".
Trong một động thái tương tự, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất đã bày tỏ sự ủng hộ chiến lược mới của Tổng thống Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời cam kết cùng với Mỹ và tất cả các đồng minh chống lại các chính sách và các hoạt động làm suy yếu sự ổn định trong khu vực của Iran. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Các tiểu vương quốc Arập thống nhất cho rằng thỏa thuận hạt nhân đã tạo cho Iran cơ hội thực hiện các chính sách và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế nhưng chính phủ Iran đã sử dụng thỏa thuận này để thúc đẩy chính sách bành trướng của mình và thiếu trách nhiệm.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng chiến lược mới của Mỹ là các bước cần thiết để đương đầu với những hành động tiêu cực của Iran. Các tiểu vương quốc Arập thống nhất cho rằng, Iran là mối đe dọa thực sự đối với an ninh và ổn định trong khu vực, can thiệp vào công việc nội các nước láng giềng.
Cùng ngày, Bahrain đã bày tỏ hoan nghênh chiến lược của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân của Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Tuyên bố nhấn mạnh rằng Bahrain là nước bị ảnh hưởng hầu hết các chính sách của Iran, trong đó có những hành động gây mất ổn. Bahrain tái khẳng định nỗ lực hỗ trợ ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và các nguồn tài chính hỗ trợ cho lực lượng Vệ binh cách mạng Iran./.
Theo Ngọc Thạch/VOV-Cairo