|
Thế giới đầy rẫy các mối quan hệ chằng chịt phức tạp.
|
Tình hình Trung Đông
- Trong “Dự báo tình hình thế giới 2016”, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ nhận định: Xuất phát từ sự hoang tưởng, thù hận và bài ngoại, nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đang thực hiện các hành vi man rợ nhất chống lại toàn thế giới. Hành động của IS và cơ cấu tổ chức của nó cho thấy IS hoàn toàn khác biệt với tất cả những tổ chức khủng bố trong lịch sử. Trong khi đó chiến lược của Mỹ đối với IS tại Syria và Iraq lại không hiệu quả, chỉ giải quyết phần ngọn, chứ không giúp giải quyết tận gốc các cuộc xung đột ở Syria và Iraq. Nếu muốn đạt được thành công trong cuộc chiến này, Mỹ cần một chiến lược chính trị rõ ràng đối với Iraq và Syria. Cụ thể, Mỹ cần phải cùng các đối tác hỗ trợ người dân Syria và Iraq thiết lập các cơ cấu chính trị và quân sự ở cả cấp chính quyền trung ương và địa phương; phối hợp với Syria, Iran, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như lực lượng gìn giữ hoà bình được triển khai tại Syria thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến và cùng các đối tác vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu giúp Syria xây dựng một lực lượng an ninh đáng tin cậy.
- Thoả thuận hạt nhân Iran không đồng nghĩa với sự cải thiện lớn trong quan hệ Mỹ-Iran. Mỹ khuyến khích Iran thay đổi và phát triển nhưng không thể đi quá giới hạn, tác động xấu tới các đồng minh trong khu vực. Do đó, trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Iran, Mỹ sẽ phải tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, thúc đẩy hỗ trợ quốc phòng, tập trận chung với các đồng minh. Bên cạnh đó, Mỹ cần tìm cách giải quyết mối quan hệ căng thẳng với Isarel, không để ảnh hưởng đến an ninh của nước này. Mặt khác, Mỹ cũng sẽ phải chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Iran tại 4 nước chủ chốt là Lebanon, Syria, Iraq và Yemen.
- Quan hệ đồng minh Mỹ - Israel đang thay đổi. Hai bên đang bất đồng trên nhiều lĩnh vực. Mỹ ngày càng khó bảo đảm cam kết bảo vệ Israel khi Israel đang phải đối đầu với những mối đe dọa phi đối xứng từ Hezbollah và Hamas, hay các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ Iran. Israel cũng không còn phù hợp với chiến lược Trung Đông của Mỹ như trước. Mặt khác, sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Mỹ đối với Israel đã tan vỡ. Đây là những thách thức to lớn đặt ra đối với tổng thống Mỹ kế nhiệm.
Vai trò của Liên bang Nga
- Theo CSIS, Nga đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Châu Âu, giảm tối đa các thách thức tại những nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ, giành lại vị trí cường quốc toàn cầu mà Nga cho là mình xứng đáng.Tại Ukraine, Nga không muốn đẩy cuộc chiến lên mức cao hơn, nhưng cũng không cho phép Kiev có cơ hội ổn định và độc lập. Tại Syria, Nga vừa muốn phối hợp với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng lại vừa muốn bảo vệ chính quyền Assad. Tóm lại, Nga là một nhân tố phức tạp đối với bất kỳ ai muốn hoạch định chính sách liên quan đến họ.
- Mỹ và Châu Âu đã huy động sức mạnh chính trị, quân sự và kinh tế nhằm chống lại Nga kể từ tháng 2/2014 do vấn đề Ukraine, nhưng sự chia rẽ trong NATO vẫn tồn tại. Các đồng minh Đông Âu vẫn tập trung vào Nga; các đồng minh phía Nam tập trung vào sự bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi.
- Nga và Trung Quốc ngày càng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, quân sự và chính trị. Tuy nhiên, quan hệ Nga-Trung vẫn bị chi phối bởi sự mất lòng tin lẫn nhau và bị hạn chế bởi sự mất cân bằng giữa hai nước. Thương mại song phương không đạt được mục tiêu mà hai bên đề ra. Trung Quốc cũng tìm cách tận dụng lợi thế từ sự cô lập của phương Tây đối với Nga để ép Nga chấp nhận những thoả thuận có lợi cho mình. Việc Nga tăng cường bán vũ khí cho các đối tác, bao gồm Ấn Độ và Việt Nam, cũng mâu thuẫn với tham vọng bá chủ khu vực của Trung Quốc. Tóm lại, quan hệ đối tác Trung-Nga còn lâu mới đạt đến mức độ đồng minh. Trung - Nga vẫn tiếp tục là những cường quốc ưu tiên lợi ích của mình hơn là chia sẻ bất kỳ tầm nhìn tương lai nào. Vì vậy, chính sách của Mỹ sẽ là nhân tố chính xác định tương lai của hợp tác Trung-Nga.
Tình hình Châu Á và vài trò của Trung Quốc
- Nội bộ Trung Quốc đang có nhiều biến động. Trong bối cảnh Đại hội ĐCS Trung Quốc năm 2017 đã gần kề, sức ép đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từ phía những đối thủ của ông đang ngày một lớn hơn. Để đối phó với tình hình này, trong khoảng vài tháng qua, chiến dịch đổi mới của Tập Cận Bình đã có những thay đổi. Tập Cận Bình đã chọn lựa những cách tiếp cận chậm rãi hơn để đảm bảo quyền lực của mình. Do vậy tình hình Trung Quốc hiện tại có thể gọi là “cải cách lạnh, chính trị nóng”, và việc ưu tiên phát triển kinh tế theo đó cũng sẽ phải nhường bước cho việc ổn định tình hình chính trị trong nước.
- Tuy nhiên, sự phát triển chậm lại của Trung Quốc đã kéo theo những ảnh hưởng xấu đến chính nền kinh tế Trung Quốc cũng như Mỹ và các nước khác trên thế giới. Thậm chí, sự lo ngại đối với nền kinh tế yếu kém của Trung Quốc còn lớn hớn sự lo ngại đối với sự lớn mạnh trong tương lai của họ. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã đủ lớn để vấn đề của nó lan toả khắp toàn cầu với vận tốc ánh sáng. Mỹ cần thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc để nước này đạt được những mục tiêu cải cách của mình. Hiệp định TPP cũng có thể là một mũi tên chỉ đường cho Trung Quốc để họ tiếp tục mở cửa nền kinh tế của mình. Nguy cơ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc dù sao cũng mới chỉ là giả thiết, tuy nhiên nguy cơ Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình đã ở trước mặt, và điều đó chỉ mang tới nguy cơ cho nền kinh tế thế giới.
- Sự trì trệ của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến địa chính trị toàn cầu. Khác với các quốc gia khác gắn liền sức mạnh quốc gia với nhiều yếu tố như quân sự, kinh tế, xã hội, sức mạnh của Trung Quốc hoàn toàn dựa vào kinh tế. Để củng cố vị trí của mình trên thế giới, Trung Quốc đã đề ra nhiều sáng kiến tài chính như AIIB, một vành đai một con đường... Tuy nhiên, khi nền kinh tế trì trệ, vị thế của Trung Quốc trong khu vực theo đó cũng giảm sút. Các nền kinh tế nhỏ vốn tránh né tranh chấp với Trung Quốc trong các lĩnh vực chủ quyền, biên giới lãnh thổ vì sợ Trung Quốc trừng phạt kinh tế, nay trở nên ít kiềm chế hơn do Trung Quốc không còn khả năng dù trì sức mạnh này. Qua đó, Mỹ có cơ hội để củng cố vị trí của mình tại Châu Á-Thái Bình Dương và có thể sẽ tiếp tục dẫn dắt cấu trúc an ninh khu vực trong nhiều năm tới.
- Trong bối cảnh đó, TPP không chỉ là một hiệp định thương mại tự do mà còn giúp Mỹ củng cố sự hiện diện ở khu vực, vai trò địa chính trị đối với các nước Châu Á-Thái Bình Dương, khẳng định cam kết bảo đảm thịnh vượng, hoà bình, ổn định ở khu vực. Hiệp định TPP cũng sẽ giúp chính quyền tương lai của Mỹ tìm ra những cách thức tiếp cận mới với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.
- Trong khi đó, những hành động gần đây cho thấy CHDCND Triều Tiên đang mong manh hơn vẻ bề ngoài. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã khiến ngày càng nhiều tin tức về thế giới bên ngoài lọt vào bên trong quốc gia này, khiến cho tính chính danh của chính quyền bị suy yếu. Trong năm 2016, Bình Nhưỡng có thể sẽ thực hiện hàng loạt những hành động khiêu khích quy mô nhỏ nhằm thể hiện sức mạnh quân sự nhưng không dẫn tới chiến tranh quy mô lớn. Tuy vậy, chỉ một tính toán sai lầm cũng có thể dẫn đến khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên trong năm tới.
Những thách thức đối với Mỹ
- Sự kết nối giữa châu Á và châu Âu đang chuyển dần từ đường biển sang đường bộ thông qua một loạt các kế hoạch tham vọng của Nga (tuyến đường sắt Á - Âu), và Trung Quốc (Một vành đai - một con đường, AIIB, quỹ Con đường tơ lụa). Những kế hoạch này không chỉ mang ý nghĩa địa chính trị mà còn mang lại lợi ích thương mại to lớn cho các quốc gia tham gia. Trong khi đó, chính phủ Mỹ vẫn chưa thích ứng được với biến chuyển này khi vẫn nhìn thế giới qua hệ thống giao thương trên biển, chia lục địa Á-Âu thành nhiều khu vực riêng biệt.
- Các cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra trên khắp thế giới: sự quyết đoán của Nga và cuộc khủng hoảng di cư ở Châu Âu; Trung Quốc bồi đắp bãi đá ngầm, rạn san hô thành “đảo nhân tạo” và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên; lực ở Trung Đông. Mỹ dường như luôn ở thế phòng ngự trước những thách thức này.
- Không giống như thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ không phải đối diện với một thách thức toàn cầu mà là một chuỗi các thách thức khu vực. Tuy vẫn là số một thế giới, nhưng ở từng khu vực vị trí của Mỹ chỉ là thứ hai, thứ ba. Vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ đang bị lung lay. Trật tự thế giới do Mỹ đề xuất và thực hiện đang bị thách thức nghiêm trọng.
Điều này là do Mỹ đã quá tự tin và phi thực tế trong hơn chục năm qua. Để đánh giá đúng vai trò của Mỹ trong cục diện hiện nay, cần dựa trên ba nhân tố cơ bản: Mỹ vẫn là siêu cường số một thế giới nhưng ảnh hưởng đã bị giảm sút; Mỹ vẫn phải kiên định theo đuổi những giá trị cơ bản của mình trong 70 năm qua; Mỹ cần chọn lựa đối tượng can thiệp trên thế giới. Tóm lại, đã đến lúc Mỹ cần thực dụng hơn, lựa chọn đối tượng can thiệp thay vì dàn trải ra khắp thế giới.
Minh Châu (Theo CSIS)