Theo tác giả Jennifer Keishin Armstrong của bài viết đăng trên BBC Future, trước thời mạng xã hội, truyền hình là cách tốt nhất để thực sự tiếp cận đa số khán giả. Và hình ảnh được xây dựng cẩn thận cho thấy tỷ phú Donald Trump thực sự quan tâm và giỏi định hình ý kiến của công chúng về ông ta hơn bất cứ thứ gì khác.
|
Tỷ phú Donald Trump giỏi định hình ý kiến của công chúng về ông ta hơn bất cứ thứ gì khác. Ảnh Business Insider |
Donald Trump-Ngôi sao truyền hình giải trí
Khi thị trưởng thành phố New York Randall Winston xuất hiện trong loạt phim truyền hình sitcom Spin City tìm lời khuyên về việc viết hồi ký, Donald Trump đã có mặt ở đó.
Trong lần xuất hiện chớp nhoáng trong một tập phim năm 1998, Trump vênh vang bước vào văn phòng thị trưởng, ngồi vào ghế của thị trưởng mà không hỏi trước và nói rằng việc viết quyển sách "Nghệ thuật đàm phán" và "Nghệ thuật đáp trả" là chuyện nhỏ đối với ông. Ông khoe khoang: “Ngày đầu tiên, chín chương”.
Trong một vai diễn khác, trong "The Nanny" (Người giúp việc) hồi năm 1996, ông Trump không chỉ mang theo một, mà những hai chiếc điện thoại di động.
Trong phim "The Fresh Prince of Bel-Air" (1994), chỉ riêng sự xuất hiện của ông đã khiến cho thành viên của một gia đình bảo thủ Carlton ngất xỉu.
Những dấu ấn khác trong sự nghiệp làm truyền hình của Donald Trump -Tổng thống Mỹ thứ 45 - bao gồm: vào vai người định tiếm quyền ông chủ công ty Worldwide Wrestling Entertainment Vince McMahon trong một trận đấu vật được phát đi trên truyền hình, kết thúc bằng cảnh ông bị hạ đo ván xuống thảm đấu; hỏi nhân vật do Denis Leary trong phim “The Job” là ông đang "táng" ai và làm quen với một đại gia lớn tuổi đang tán tỉnh Samantha trong bộ phim "Sex and the City".
Đó là tất cả những gì xảy ra trước khi ông Trump bắt đầu sản xuất và đóng vai chính trong chương trình truyền hình thực tế The Apprentice (Người học việc) từ năm 2004, nơi ông xuất hiện với vai trò một doanh nhân thành đạt.
Nhiều lần phá sản và danh tiếng bị hoen ố giữa nhiều người biết hoặc làm việc với ông trong đời hoàn toàn không có ý nghĩa gì ở đây. Một trong những mô tả tiêu cực hiếm hoi trên TV là chương trình châm biếm bắt chước “Sesame Street 20015”, trong đó Donald Grump, một nhân vật khoác lác, nói rằng: "Tôi là đồ rác rưởi nhất!"
Trump cũng bước chân vào điện ảnh, đã xuất hiện trong các bộ phim “Home Alone 2” (Ở nhà một mình, phần 2), “The Little Rascals” (Bọn trẻ ranh) và một nhân vật hung bạo trong phim “Back to the Future” (Trở về tương lai) với tên Biff được lấy ý tưởng từ ông Trump.
John F Kennedy có thể từng là tổng thống đầu tiên xuất hiện trên truyền hình, nhưng Donald Trump là tổng thống đầu tiên làm ngôi sao truyền hình thực tế.
Nghệ thuật kể chuyện
Vai diễn đầu tiên của ông Trump trên truyền hình là trong một tập hồi 1985 của loạt chương trình Gia đình Jeffersons với tựa đề "Bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có" (You'll never get rich), khi các diễn viên trong tập phim đến thăm Atlantic City, nơi ông Trump có một sòng bạc.
Nhưng một trong những vai khách mời sớm nhất của Trump xuất hiện trong nguyên mẫu chính ông là trong phim truyền hình “The Fresh Prince of Bel-Air”, có nội dung ông và Marla Maples, người khi đó đang là vợ ông, được giới thiệu một cách dõng dạc với Will Smith và các thành viên trong gia đình giàu có của ông ở Los Angeles. Người em họ của Will tên Hilary thốt lên trong phim: "Ngoài đời trông ông giàu có hơn hẳn."
Hình ảnh sau này của Trump về chính ông được xây dựng tương tự theo cách rất kỹ lưỡng.
Ít nhất một trong những người chạy chương trình truyền hình từng làm việc với ông, nhà sản xuất series "The Nanny" là Peter Marc Jacobson từng tiết lộ với tờ New York Times cách Trump kiểm soát hình ảnh của ông chính xác và kỹ lưỡng ra sao: sau khi đọc một kịch bản từ tập phim của Trump, một trong những từ chỉ ông ta là "triệu phú".
"Vì ông ấy là tỷ phú," đoạn ghi chú kịch bản viết, "ông ấy muốn đoạn thoại được thay đổi theo nội dung đó." Jacobson đã đổi thành cụm từ không có chủ ý khẳng định là "đại gia".
Donald Trump trong “The Apprentice”
Mức độ kiểm soát kỹ lưỡng vai diễn có vẻ không đáng kể gì lắm vào thời điểm chương trình lên sóng, bởi nói chẳng có gì hơn là kiểu xây dựng thương hiệu của một doanh nhân. Nhưng nó lại đạt được hai điều đáng kinh ngạc: đầu tiên, họ thuyết phục được khán giả Mỹ rằng Donald Trump là một doanh nhân thành đạt với tố chất ngôi sao.
Thứ hai, đây là phần diễn thử của ông Trump cho chương trình truyền hình thực tế The Apprentice (Người học việc) sau này, trong đó ông xuất hiện trong vai trò một ông chủ cực kỳ thành công với hàng tá ứng viên trẻ trung, hấp dẫn cầu xin sự công nhận của ông.
Donald Trump nói với báo Washington Post rằng ông đã phớt lờ lời khuyên của người quản lý khi ông nhận lời tham gia “The Apprentice” năm 2004.
Chương trình này lên sóng vào thời điểm truyền hình thực tế đang ở đỉnh cao và đã cực kỳ thành công trong một vài mùa đầu tiên, với 20 triệu khán giả đón xem trong năm đầu tiên.
Theo nhật báo The Washington Post, ông Trump đã nhận ra tiềm năng của chương trình này là tiếp cận nhóm khán giả trẻ và ông tìm cách để tên mình xuất hiện trong quá trình sản xuất càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn như, trong rất nhiều cảnh quay chiếc máy bay riêng của ông, từ "TRUMP" được dán đầy bên hông máy bay.
Ông Trump cũng từng đàm phán để sở hữu 50% cổ phần của chương trình, và mùa đầu tiên của ông thay đổi kế hoạch chọn người dẫn chương trình của công ty truyền hình NBC.
Trước đó, những tỷ phú như Richard Branson và Martha Steward đã được dự kiến cho các mùa kế tiếp, nhưng sau đó “The Apprentice” đã trở thành chương trình của riêng ông Trump.
Bệ phóng trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45
Câu nói nổi tiếng "Bạn đã bị sa thải!" đã biến ông Trump trở thành người nói thật nổi tiếng của truyền hình thực tế.
“The Apprentice” đã biến Donald Trump từ một nhân vật xuất hiện nhiều trên báo lá cải của thành phố New York trở thành một ngôi sao phim truyền hình ở trung tâm miền Trung Tây - nơi sau đó trở thành khu vực tranh cử chủ chốt của ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Kể từ khi được nhiều người theo dõi, đến nay “The Apprentice” đã mờ nhạt dần, kể cả phiên bản được thay bằng toàn các ngôi sao mới trong các mùa gần đây.
Vào thời gian công bố chạy đua vào vị trí tổng thống tháng 6/2015, ứng viên “ngoại đạo” Donald Trump đã chôn vùi các đối thủ trong Đảng Cộng hòa, chủ yếu là nhờ vào các chương trình truyền hình.
Các bản tin tường thuật sự thất bại của doanh nghiệp của ông hay các cáo buộc lừa đảo từ Đại học Trump cũng không thể sánh kịp với những gì khán giả đã xem qua truyền hình: một thiên tài kinh doanh, một "đại gia".
Khả năng của Trump trong việc khuấy động một chương trình truyền hình nhàm chán với những hành vi hay bình luận bất ngờ, giờ đây đã được đưa vào chiến dịch tranh cử hết sức dễ dàng, tăng lượng người xem cho các kênh truyền hình cáp tường thuật về ông.
Sau sự hỗn loạn của cuộc tranh cử của ứng viên tổng thống Donald Trump, nhà sản xuất trước đó của chương trình Apprentice, ông Bill Pruitt bày tỏ sự hối tiếc vì đã đánh bóng tên tuổi doanh nhân này trước công chúng.
Ông giải thích trong một email gửi cho tờ tạp chí Vanity Fair: "Một vài nhà sản xuất thông minh đã lồng ghép một câu chuyện ngụy tạo về một tỷ phú với một đế chế mà trong thực tế là đang đổ nát vào thời điểm ông nhận công việc đó, về lương bổng, quyền sở hữu làm chương trình truyền hình thực tế. Apprentice là một cú lừa công chúng để đổi lấy lượt xem...Câu chuyện về Donald Trump và tầm vóc của ông ta đã được công chúng nhìn nhận một cách kỳ quặc là sự thật".
Giờ thì, các thông tin về doanh nghiệp của ông Trump sẽ chẳng có ảnh hưởng là bao với một thực tế còn lớn hơn: Đó là người diễn vai "đại gia" trên truyền hình giờ đã là Tổng thống Mỹ thứ 45.
Minh Châu (Theo BBC Culture)