Đòn trừng phạt của Nga nhằm vào Mỹ đáng sợ cỡ nào?

Google News

Giới phân tích cho rằng, đòn trừng phạt của Nga nhằm vào Mỹ đã được hạn chế và chỉ gây ra những tác động ở mức tối thiểu.

Mỹ gọi, Nga trả lời
Một ngày sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt mới với Nga nhằm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng, đồng thời hạn chế khả năng kiểm soát của Tổng thống Mỹ Donald Trump với trừng phạt Nga, Moscow đã có biện pháp đáp trả.
Don trung phat cua Nga nham vao My dang so co nao?
Tổng thống Putin ra lệnh trục xuất 755 nhân viên ngoại giao đang làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow và tại tổng lãnh sự quán Mỹ ở Liên bang Nga. (Ảnh: AP) 
"Chúng tôi đề nghị phía Mỹ giảm số nhân viên ngoại giao, nhân viên kỹ thuật đang làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow và tổng lãnh sự quán xuống đúng bằng số nhà ngoại giao và nhân viên kỹ thuật Nga ở Mỹ", AFP dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga hôm 28/7 cho biết.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, số nhà ngoại giao và nhân viên Mỹ sau khi giảm sẽ là 455 người.
Hạn chót phía Nga đưa ra là ngày 1/9. Nga còn thông báo sẽ tịch thu một khu phức hợp và một nhà kho được phái đoàn ngoại giao Mỹ sử dụng, dọa đáp trả tương xứng nếu Washington tính trục xuất thêm các nhà ngoại giao của Moscow.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng quyết định “san bằng” số lượng cán bộ đại diện ngoại giao của Nga và Mỹ, cũng như đóng cửa hai cơ sở của Đại sứ quán của Mỹ là do một loạt hành động thù địch từ phía Washington.
Cụ thể, những hành động không phù hợp này bao gồm các biện pháp trừng phạt Nga bất hợp pháp, cáo buộc vu khống nhằm vào Nga, trục xuất ồ ạt các nhà ngoại giao Nga và tước đoạt các tài sản ngoại giao của họ.
Ông Lavrov nêu rõ Nga đã làm tất cả mọi thứ có thể để cải thiện quan hệ và Moscow đã đáp trả những hành động khiêu khích một cách rất kiềm chế. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây cho thấy chính sách của Mỹ đã bị rơi vào tay của lực lượng bài Nga, đẩy hai bên vào thế đối đầu.
Theo ông Lavrov, những biện pháp hạn chế vừa được Nga thông qua hoàn toàn phù hợp, đó không phải là biện pháp đáp trả theo nguyên tắc “ăn miếng trả miếng” mà là “miễn cưỡng”, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và nhằm bảo vệ những lợi ích hợp pháp của Nga với hy vọng cuối cùng Mỹ sẽ suy nghĩ về những hậu quả tai hại trong đường lối hiện nay của mình.
Ông Lavrov khẳng định Nga sẵn sàng bình thường hóa quan hệ song phương với Mỹ và hợp tác với Washington về những vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự quốc tế. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cân bằng lợi ích.
Ở chiều ngược lại, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày cũng đã lên tiếng phản đối và bày tỏ “thất vọng” trước các biện pháp được Nga đưa ra nhằm đáp lại việc Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Moscow. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết thêm rằng, hai bên tiếp tục làm việc để loại bỏ một vài trở ngại nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Tác động ở mức tối thiểu
Bình luận về đòn đáp trả của Nga dành cho Mỹ sau những tranh cãi ngoại giao thời gian qua, John Quigley, Giáo sư danh dự chuyên ngành Luật Quốc tế tại Đại học Ohio nói với Sputnik cho rằng, đòn đáp trả của Moscow đã được hạn chế và chỉ gây ra những tác động ở mức tối thiểu.
“Các biện pháp của Nga là khá nhỏ so với các biện pháp mà Mỹ đã thực hiện như việc đóng cửa các cơ sở ngoại giao của Nga ở New York và Maryland hồi mùa đông năm ngoái cũng như các biện pháp trừng phạt mới được lưỡng viện Quốc hội nước này vừa thông qua”, Giáo sư Quigley nói.
Theo giáo sư Quigley, câu chuyện đáng quan tâm sau khi phía Nga quyết định đưa ra các biện pháp đáp trả không phải là chờ xem hai bên tiếp tục có phản ứng như thế nào và liệu căng thẳng có leo thang lên “nấc mới” hay không.
Ông Quigley cho rằng, điều đáng nói nhất sau “cú phản đòn” của Nga chính là nó cho thấy Tổng thống Putin dường như đã có kết luận cho riêng mình, đó là không thể thu được gì nếu cứ bỏ qua các động thái khiêu khích của Mỹ với hy vọng sự nhẫn nhịn sẽ giúp cải thiện quan hệ song phương.
“Nga rõ ràng đã mất hy vọng về một mối quan hệ tốt đẹp hơn với chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump”, ông Quigley nhận xét.
Giáo sư Quigley lưu ý rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã, đang và sẽ còn phải chịu nhiều áp lực chính trị nếu muốn cải thiện mối quan hệ với Nga, đặc biệt là khi những cáo buộc cho rằng đội ngũ tranh cử của ông Trump đã thông đồng với đối tác Nga trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016 vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Chính phủ Nga cho đến nay vẫn bác bỏ tất cả các cáo buộc về việc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ cũng như có những tác động để ông Trump giành được chiến thắng.
Đồng quan điểm với ông Quigley, Giáo sư luật Francis Buckley tại Đại học George Mason cho rằng, Nga không thể cứ tiếp tục bỏ qua những biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ. Mặc dù vậy, theo ông Buckley, dường như điện Kremlin đã có những tính toán khi đưa ra các biện pháp đáp trả với tác động chỉ ở mức tối thiểu, tránh làm cho quan hệ song phương xấu đi.
Giáo sư Buckley chỉ ra rằng, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục làm những gì họ cho là đúng mà không cần biết đến Nga, bởi mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Tình trạng căng thẳng hiện nay trong quan hệ Nga - Mỹ có phần trách nhiệm chính thuộc về Tổng thống Donald Trump – người từng chủ trương tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga.
“Bóng vẫn đang nằm trên phần sân của ông Trump và ông ấy sẽ phải đưa ra quyết định sáng suốt giải quyết vấn đề này’, chuyên gia Buckley nhận xét./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN