Đối thoại Shangri-La, diễn đàn hàng đầu châu Á về an ninh quốc phòng, sẽ diễn ra tại Singapore từ 31/5 đến 2/6. Đây là nơi các quan chức và học giả trao đổi về một loạt vấn đề an ninh và năm nay dự kiến cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là trọng tâm trong các cuộc thảo luận này, theo Diplomat.
Bộ trưởng quốc phòng các nước Mỹ, Trung Quốc cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc... đều sẽ có mặt tại diễn đàn năm nay.
Cạnh tranh Mỹ - Trung là tâm điểm
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, được coi là mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới, thường xuyên trở thành chủ đề tại Đối thoại Shangri-La. Trong những năm qua, mối quan hệ này được thể hiện theo những cách khác nhau tại sự kiện, bao gồm nhiều lần đại diện Mỹ và các nước chỉ trích gay gắt những hành vi của Bắc Kinh.
Diễn đàn năm nay, đặc biệt hơn, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa Mỹ và Trung Quốc hiện lên đầu tiên và xuyên suốt trong tâm trí của các đại biểu cũng như giới quan sát.
Trước thềm Đối thoại Shangri-La, hành động của chính quyền Trump với Huawei hay cuộc gặp có thể xảy ra giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G-20 ở Nhật là những câu chuyện làm nóng các mặt báo hàng ngày.
Song bức tranh lớn hơn là căng thẳng Mỹ - Trung đã dần chuyển thành trạng thái giống cuộc cạnh tranh dài hơi giữa hai cường quốc, như được nhắc đến trong các tài liệu về an ninh của Mỹ gần đây, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng.
Đối thoại Shangri-La sẽ soi rọi nhiều khía cạnh của vấn đề này. Góp phần vào đó là sự xuất hiện lần đầu tiên trong gần một thập kỷ của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tại diễn đàn, cũng như việc quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ trình bày những khía cạnh quốc phòng trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở của Mỹ.
Bất kể hai bên có những nỗ lực như thế nào tại diễn đàn, thông qua các bài phát biểu hay một cuộc gặp song phương, thực tế rằng hai quan chức lần lượt "chiếm sóng" hai ngày của sự kiện sẽ tạo nên tình huống đối đáp qua lại được theo dõi sát sao.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: AP. |
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ có bài phát biểu "rất được trông chờ" tại sự kiện mà từ năm 2011 đến nay Bắc Kinh mới lại cử quan chức cấp cao như vậy tham dự. Ông Ngụy dự kiến phát biểu vào ngày 2/6, một ngày sau phát biểu của ông Patrick Shanahan, người đang tạm thời lãnh đạo Lầu Năm Góc sau khi tướng James Mattis từ chức bộ trưởng quốc phòng Mỹ hồi cuối năm 2018.
"Trong một bài phát biểu rất được chờ đợi, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa sẽ nói về vai trò của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào một thời điểm then chốt cho khu vực", tiến sĩ John Chipman, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trụ sở tại London, đơn vị tổ chức sự kiện, nói trong một thông cáo.
"Sự hiện diện của ông tại Đối thoại Shangri-La mang lại cơ hội có một không hai cho những người tham dự trong việc trao đổi với nhân vật hàng đầu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)".
Hoàn cầu Thời báo, phụ san của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời các chuyên gia nói việc ông Ngụy tham dự sự kiện cho thấy Bắc Kinh "chân thành trong việc duy trì liên lạc với Mỹ, bất chấp bầu không khí căng thẳng trong quan hệ thương mại song phương". Đây cũng là "thông điệp rõ ràng đến thế giới rằng Trung Quốc tự tin trong việc thúc đẩy quan điểm của mình về an ninh quốc tế".
"Mỹ càng đưa ra nhiều cáo buộc, Trung Quốc càng cần phải phản ứng và can dự, và Trung Quốc cũng có càng nhiều cơ hội bày tỏ quan điểm để giành được sự ủng hộ", An Cương, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Pangoal, một tổ chức tư vấn chính sách tại Bắc Kinh, nói. "Đó là lý do Trung Quốc cử bộ trưởng quốc phòng và một phái đoàn lớn của PLA tham dự".
Ngờ vực Trung - Mỹ ngày càng tăng
South China Morning Post dẫn các nguồn tin quân đội Trung Quốc cho hay ông Ngụy sẽ dẫn đầu một phái đoàn "tương đối lớn" tới sự kiện. Một nguồn tin tiết lộ phái đoàn bao gồm trung tướng Hà Lôi - cựu viện phó Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, người dẫn đầu đoàn Trung Quốc trong các năm 2017, 2018, và đại tá Chu Ba - giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Giới quan sát đang chú ý xem liệu có cuộc gặp chính thức nào giữa hai quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc hay không, với một số ý kiến cho rằng điều này khó xảy ra do khoảng cách hiện tại giữa Bắc Kinh và Washington trong nhiều vấn đề lớn.
"Sẽ là không thực tế nếu kỳ vọng họ có bước đột phá vì cả hai bên đều có những lời đao to búa lớn. Sự ngờ vực giữa Trung Quốc và Mỹ thực sự đang lớn lên từng ngày", Zhou Chenming, chuyên gia quân sự sống tại Bắc Kinh, nói với SCMP.
|
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Ảnh: Reuters. |
Ông Shanahan, trong ngày đầu tiên đảm nhận vị trí quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ, từng nói trọng tâm của quân đội Mỹ giờ đây là "Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc". Tại diễn đàn năm nay, ông được cho là sẽ trình bày tầm nhìn của ông về châu Á - Thái Bình Dương, với trọng tâm cụ thể là Trung Quốc, và những gì Lầu Năm Góc đang làm để triển khai Chiến lược Quốc phòng của Mỹ tại khu vực.
Phát biểu của ông được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc và Mỹ không chỉ căng thẳng về thương mại mà còn mắc kẹt trong một loạt tranh chấp, đặc biệt là cạnh tranh ảnh hưởng quân sự tại khu vực. Chỉ trong một tháng qua, Mỹ đã tiến hành hai lần hoạt động "đi lại tự do hàng hải" trên Biển Đông, cũng như đưa tàu đi qua eo biển Đài Loan, những động thái khiến Bắc Kinh tức giận.
Một quan chức khác của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters rằng bài phát biểu của ông Shanahan tại Singapore sẽ nhấn mạnh việc cam kết của Mỹ với khu vực sẽ tiếp tục được duy trì.
"Có nhiều thứ mà với tư cách một cường quốc toàn cầu chúng tôi phải tham dự. Nhưng chuyến đi này là về việc thể hiện và nhấn mạnh cam kết của chúng tôi (với châu Á) đang được triển khai thế nào", vị quan chức nói.
Trong chuyến đi đầu tiên tới khu vực, ông Shanahan cũng sẽ thăm Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nguồn tin của Reuters cũng cho biết ông sẽ gặp bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tại Singapore.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Đông Phong/Zing.vn