Lũ lụt ở Texas đã cướp đi sinh mạng của 30 người. Theo số liệu của chính quyền địa phương, các lực lượng cứu hộ đã giải thoát hơn 13.000 người bị mắc kẹt tại thành phố Houston và các thành phố, thị trấn lân cận. Ở một số khu vực đã ghi nhận mức nước cao kỷ lục.
Trao đổi với Hãng tin Bloomberg, ông David Havens - chuyên gia phân tích bảo hiểm của Hãng Imperial Capital tại New York - ước tính tổng thiệt hại cuối cùng của siêu bão Harvey có thể lên tới 100 tỷ USD. Thế nhưng chuyên gia Chuck Watson của Hãng Enki (Mỹ) đưa ra con số ước tính thiệt hại vào khoảng 42 tỷ USD.
Cơn bão Harvey đã “nhấn chìm” ngành công nghiệp dầu khí ở Texas, nơi xử lý tới 1/3 sản lượng dầu của Mỹ. Các công ty như Exxon Mobil đã phải tạm dừng hoạt động các cơ sở sản xuất và phải mất vài tuần nữa để có thể trở lại hoạt động bình thường.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Texas để thị sát thiệt hại do siêu bão Harvey gây ra. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Texas để thị sát thiệt hại do siêu bão Harvey gây ra và hứa sẽ cung cấp sự hỗ trợ liên bang cho người dân địa phương.
Tổng thống Trump cùng với Thống đốc Greg Abbott và các thượng nghị sĩ của bang Texas đã đến thăm các thành phố bị ảnh hưởng bởi lũ lụt: Houston, Corpus Christi và Austin. Tổng thống Trump nói rằng việc khắc phục hậu quả của siêu bão Harvey sẽ đòi hỏi rất nhiều tiền. Để thực hiện nhiệm vụ này, quốc hội cần cấp thêm tiền từ ngân sách. "Tôi đang làm việc với quốc hội về một gói cứu trợ", ông nói.
Theo ông Trump, đây là nỗ lực lâu dài vì không thể sớm khắc phục hậu quả thiên tai “một sớm, một chiều”. Hiện thời, chính phủ liên bang có khoảng 3 tỷ USD trong quỹ đặc biệt xử lý các tình huống khẩn cấp. Số tiền này có thể được chi tiêu cho gói cứu trợ đầu tiên. Tổng thống Donald Trump sẽ yêu cầu Quốc hội, cơ quan phụ trách các vấn đề ngân sách… cung cấp gói cứu trợ bổ sung.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Phó giáo sư Alexey Fenenko - chuyên gia về an ninh quốc tế từ Khoa chính trị thế giới, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow - cho rằng các thảm họa thiên nhiên ở Mỹ thường ảnh hưởng đến chính trị.
Phó giáo sư Alexey Fenenko nói: "Người dân Mỹ thường phản ứng một cách quá mức trước hai điều: hoạt động của các cơ quan đặc nhiệm phụ trách khắc phục hậu quả thiên tai và quyết định của tổng thống hoặc thống đốc sử dụng Vệ binh quốc gia. Xin nhắc lại rằng, Vệ binh Quốc gia không phải là lực lượng vũ trang mà là lực lượng dự bị. Không loại trừ khả năng ở Mỹ sắp bắt đầu các trận chiến pháp lý kéo dài vô tận về đề tài: Quyết định của tổng thống hay thống đốc sử dụng Vệ binh Quốc gia có quá muộn hay không? Xin nhắc lại rằng, Texas là một thành trì của Đảng Cộng hòa, vì thế không loại trừ khả năng ôngTrump sẽ bị chỉ trích gay gắt vì ông không thể tổ chức công việc cứu trợ một cách kịp thời và thỏa đáng.
Do đó, theo ý kiến của ông Fenenko, Tổng thống Mỹ Donald Trump "đang áp dụng các biện pháp đề phòng". Phó giáo sư Fenenko giải thích: "Donald Trump nhận thức rõ rằng ông có thể bị chỉ trích gay gắt vì đã nhậm chức hơn 6 tháng mà vẫn chưa chấn chỉnh lại trật tự trong các cơ quan phụ trách xử lý hậu quả thiên tai mà chỉ tập trung chú ý đến vấn đề Bắc Triều Tiên. Vì vậy, ông Trump cố gắng áp dụng các biện pháp đề phòng: ông đã đến Texas để thị sát thiên hại, ông đang hành động tích cực và sẵn sàng cấp thêm tiền. Ông muốn giành lấy thế chủ động, khi phê phán chính quyền địa phương của đảng Cộng hòa đang hoạt động kém hiệu quả".
Minh Châu (Theo Sputnik/Bloomberg)