Theo giới phân tích, lời cảnh báo này không những không thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ động cơ phát triển các vũ khí hạt nhân, mà lại có thể tạo ra tác dụng ngược.
|
Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Ông Marcus Noland, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) nhận xét: “Với những phát ngôn này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mang lại cho chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un một sự biện minh. Nó sẽ được phát đi phát lại trên kênh truyền hình quốc gia Triều Tiên” như một bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng cần một năng lực răn đe hiệu quả để đối phó với điều mà nước này xem là hành động gây hấn của Mỹ.
Trong khi đó, chuyên gia Joel Wit từ Viện Mỹ-Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng bất chấp những lời hăm dọa này, không rõ liệu Washington có sẵn sàng trả giá về sinh mạng cho một cuộc xung đột hay không. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý ông Trump là một “nhà lãnh đạo khó đoán định và rất khó để nhận biết khi nào ông ấy nghiêm túc và khi nào không”.
Ông Wit cho rằng lời đe dọa như vậy của Tổng thống Donald Trump đối với Triều Tiên dường như không khiến người dân nước này lo sợ.
Trái ngược với quan điểm trên, chuyên gia Jeung Young-Tae, Giám đốc Viện nghiên cứu quân sự thuộc Đại học Dongyang (Hàn Quốc) nhận định mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên có nghĩa nước này không thể coi tuyên bố của ông Trump là “lời đe dọa suông”, và hiện mối đe dọa từ Bình Nhưỡng không còn là viển vông với nhiều người dân Mỹ.
Theo TTXVN/Báo Tin Tức