“Chuyến viếng thăm Hiroshima nhằm vinh danh tất cả những người đã thiệt mạng trong Thế chiến II và tái khẳng định quan điểm được chia sẻ của chúng tôi về một thế giới không vũ khí hạt nhân”. Chỉ trong một câu nói, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tóm lược hai mục đích chính của chuyến đi Hiroshima: tưởng niệm và phi hạt nhân hóa.
Tổng thống Obama đến Hiroshima nhưng không nói lời xin lỗi
Trong hai ngày 6 và 9/8/1945, Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, làm cho trên 240.000 người Nhật chết, và trong đó có một thiểu số người Triều Tiên. Hơn 70 năm sau, một tổng thống Mỹ đương nghiệm đến thăm thành phố đã bị ném bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử, viếng Đài tưởng niệm hòa bình.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tóm lược hai mục đích chính của chuyến đi Hiroshima: tưởng niệm và phi hạt nhân hóa. |
Nhưng Tổng thống Obama không nói lời xin lỗi. Ông dành cho giới sử gia việc xem xét lại trang sử đẫm máu này và đánh giá quyết định ném bom nguyên tử xuống Hiroshima của Tổng thống Harry Truman.
Theo ông Peter Kuznick - giám đốc Viện nghiên cứu nguyên tử của Trường đại học Mỹ, trên thực tế Nhật Bản phải đầu hàng mà không cần phải ném bom nguyên tử. Mỹ chủ yếu muốn ngăn Hồng quân Liên Xô ở Châu Á, nên buộc Tokyo phải đầu hàng càng sớm càng tốt. Một sử gia Mỹ khác là giáo sư Sean Malloy nhấn mạnh các lãnh đạo Hoa Kỳ lúc đó chỉ tranh luận về việc sử dụng quả bom « ở đâu, khi nào và bằng cách nào », chứ không đặt câu hỏi có nên dùng đến loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này hay không.
Dấu ấn cuối nhiệm kỳ tổng thống
Trong bài viết “Một tín hiệu cho hòa bình vào cuối nhiệm kỳ”, Libération nhận định rằng sau khi làm lành với Cuba và ký được Thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục chăm lo cho di sản của mình.
Trong số những hình ảnh sẽ đi vào lịch sử, không thể thiếu bức ảnh gia đình Obama trên đường phố La Habana cách đây hai tháng. Barack Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Cuba sau gần 90 năm và cũng ông chủ Nhà Trắng đầu tiên đứng trước Đài tưởng niệm Hiroshima.
Từ cái ngày bi kịch 6/8/1945, đã trải qua 11 đời tổng thống Mỹ. Từ Eisenhower đến Bush cha rồi Bush con, đến Kennedy rồi Reagan, những người tiền nhiệm của ông Obama đều không ngó ngàng đến Hiroshima. Ông Richard Nixon có đến thành phố này năm 1964, bốn năm trước khi đắc cử, còn cựu Tổng thống Jimmy Carter thì đến tưởng niệm năm 1984, ba năm sau khi ông rời Nhà Trắng.
Phải chờ đến năm thứ 8, năm cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Obama mới đến Hirohima.
Tổng thống Barack Obama công du nước ngoài tương đối ít. Nhưng mỗi chuyến đi của ông Obama đều được tuyên truyền rầm rộ, tại tất cả những nơi mà chiếc Air Force One đáp xuống đều là một sự kiện. Riêng chuyến đi Hiroshima ngoài tính biểu tượng, còn khẳng định hai quan niệm chủ đạo của Tổng thống Obama: xoay trục sang Châu Á và phi hạt nhân hóa.
Đặc biệt trong bối cảnh ứng viên tổng thống mặc định của Đảng Cộng hòa Donald Trump từng đòi hỏi Nhật Bản và Hàn Quốc phải trang bị vũ khí nguyên tử để đối phó với Triều Tiên, đây là cơ hội để Tổng thống Obama nhấn mạnh quan điểm của mình. Báo Libération nhắc lại những dòng lưu niệm trong số vàng khi ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thăm Hiroshima tháng trước: “Chiến tranh phải là lựa chọn cuối cùng, chứ không bao giờ là chọn lựa đầu tiên”.
Minh Châu (TH)