Theo tờ China Youth Daily, năm 2012, chính quyền địa phương đã bàn giao hơn 167 ha trên đảo Chongming cho các đơn vị hải quân Quân đội Trung Quốc (PLA) đóng quân trên đó.
Bài báo trên còn cung cấp thông tin, chính quyền địa phương nơi đó cũng huy động một loạt các phòng ban để xúc tiến tiến độ xây dựng các công trình phục vụ cho căn cứ tàu sân bay Trung Quốc mới này, bao gồm cơ sở hạ tầng cung cấp điện nước, doanh trại, đường sá, nhà cửa ...
|
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc neo đậu ở cảng Đại Liên. |
Ngoài ra,
đảo Chongming còn nằm ở cửa sông Dương Tử gần đảo Changxing, đại bản doanh của một nhà máy đóng tàu thuộc Tập đoàn đóng tàu Giang Nam. Đáng lưu ý, nhiều báo đưa tin rằng, tập đoàn này là một trong các đơn vị tham gia vào dự án chế tạo tàu sân bay trong nước đầu tiên của Trung Quốc.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, Hải quân Trung Quốc rất có thể sử dụng căn cứ trên để đào tạo các thủy thủ chứ không trưng dụng (nó) làm nơi neo đậu của các tàu sân bay.
Còn chuyên gia hải quân Li Jie chia sẻ, đảo Chongming rất có thể phục vụ như một căn cứ đào tạo cho lực lượng không-hải quân Trung Quốc. Vị này cũng không loại trừ khả năng, đảo lớn thứ hai ở Trung Quốc đại lục có thể trở thành một căn cứ hậu cần cho các tàu chiến.
|
Vị trí của đảo Chongming trên bản đồ. |
"Trung Quốc cho tới giờ chỉ có hai căn cứ tàu sân bay. Một căn cứ nằm ở Đại Liên, tỉnh phía bắc Liêu Ninh. Căn cứ còn lại ở Tam Á, Hải Nam", chuyên gia Li nói. Tuy nhiên, ông này chia sẻ tiếp: "Chongming không phải là căn cứ lý tưởng cho tàu sân bay bởi vì nó nằm quá gần các khu đô thị sầm uất của Thượng Hải, nơi có nhiều chuyến bay cất và hạ cánh mỗi ngày".
Trong khi đó, chuyên gia Ni Lexiong lại cho rằng, địa điểm chiến lược của hòn đảo Chongming có thể là sự lựa chọn tốt để xây dựng một căn cứ đào tạo. "Đảo Chongming từng là một căn cứ phòng thủ chống lại các cuộc xâm lược trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh suốt từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20", ông Ni bày tỏ.
Hồi đầu tháng này, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, PLA đã triển khai 10 tiêm kích J-10 lên hòn đảo này, một động thái nhằm tăng cường phòng thủ trước bất kì cuộc xung đột tiềm tàng nào với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Thanh Nga (theo SCMP)