|
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) đã "gây thù, chuốc oán" với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (phải).
|
Động thái này nhằm cảnh báo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Nếu ông Netanyahu nhất quyết có thái độ thách thức, tình báo Israel có thể phải đối mặt với nhiều thất bại hơn nữa.
Theo tiết lộ trên, chính quyền Erdogan đã gỡ “vỏ bọc” của 10 điệp viên Israel tại Iran, những người đã gặp gỡ các sĩ quan tình báo Mossad của bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tin này được công bố chỉ một ngày sau khi diễn ra hội nghị tại Geneva giữa nhóm P5+1 và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran, với việc các cường quốc phương Tây do Mỹ đứng đầu hoan nghênh hội nghị này là "thực chất và có triển vọng".
Báo trên dẫn những nguồn thạo tin cho rằng tình báo Israel rõ ràng đã điều hành một phần mạng lưới gián điệp người Iran thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có thể dễ dàng qua lại biên giới với Iran. Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ MIT có các nguồn để giám sát những cuộc gặp này. Sau 50 năm hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Israel không thể hình dung được rằng người Thổ sẽ "bán đứng" các điệp viên Israel cho một quốc gia thù địch. Tuy nhiên, giới chức Mỹ chỉ đánh giá sự kiện này là “lòng tin bị đặt nhầm chỗ”.
Báo trên còn cho biết năm 2010 các sĩ quan tình báo Israel đã phàn nàn với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) rằng Giám đốc cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan thực chất là người đứng đầu MOIS - Bộ tình báo và an ninh Iran - tại Ankara. Tel Aviv đã tức giận trước thỏa hiệp có tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc “lật tẩy” nhóm điệp viên Israel.
Mạng tin Debkafile của Israel dẫn các nguồn tin tình báo chỉ ra 5 điểm nhấn rút ra từ những tiết lộ trên cũng như thời điểm tiết lộ.
Một là Mỹ chưa từng phản đối Ankara về thỏa hiệp có tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ đối với mạng lưới Israel, vì Tổng thống Barack Obama muốn nuôi dưỡng tình cảm với Thủ tướng Erdogan như đồng minh Hồi giáo chủ chốt.
Hai là Washington không chắc chắn về động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một giả thuyết, ông Erdogan đang trả thù Israel vì vụ các binh sỹ nước này đột kích lên tàu Mavis Marmama của Thổ Nhĩ Kỳ khi con tàu này đang trên đường tới Gaza cùng các nhà hoạt động ủng hộ Palestine.
Ba là lời xin lỗi của ông Netanyahu về sự kiện tàu Marmama là do Tổng thống Obama thúc ép và không làm giảm mối quan hệ căng thẳng với Ankara.
Bốn là giới chức Mỹ tiếp tục làm việc với ông Hakan Fidan trong những vấn đề nhạy cảm, bất chấp sự phối hợp đáng ngờ giữa ông Fidan với Tehran. Tờ Bưu điện Washington giải thích: "Thói quen tách các vấn đề tình báo khỏi việc đưa ra quyết sách lớn hơn được cho là một hướng đi lâu nay của Mỹ".
Năm là trước những thay đổi khó lường ở Trung Đông, những nước như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia và Ai Cập đang tìm kiếm những liên minh trong một Trung Đông đang thay đổi nhanh chóng.
Tóm lại, nếu muốn tránh tiếp tục bị trừng phạt vì mối quan hệ xấu với ông Erdogan cũng như thái độ với Iran, Thủ tướng Netanyahu phải thay đổi hướng đi và thích nghi với một Trung Đông mới, trong đó việc Mỹ và Iran đang bắt đầu quá trình hòa giải.
Thông điệp tương tự cũng được gửi đến Saudi Arabia và Ai Cập - hai nước thách thức mạnh mẽ đường lối của Tổng thống Obama đối với khu vực này.
Theo Báo Tin tức