Báo Global Times dẫn lời Phó Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc (NPC) Liu Xiaojiang nói trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ tập trung nâng cao sức mạnh hải quân.
Ông Liu Xiaojiang nói thêm: "Trung Quốc vốn là một cường quốc đại dương và phải bảo vệ lợi ích của mình trên biển và đại dương. Vai trò của hải quân sẽ ngày càng rõ ràng và sẽ được tăng cường sức mạnh trong vài năm tới".
Cụ thể, ông Liu Xiaojiang kêu gọi tăng cường sự hiện diện hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi mà ông cho rằng sẽ trở thành một trong những khu vực quan trọng nhất đối với hoạt động hải quân của Trung Quốc và Hải quân Trung Quốc sẽ đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng trong khu vực.
|
Một đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Controversial Times |
Trước đó, phát ngôn viên NPC Fu Ying nói rằng Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 7% vào năm 2017, phù hợp với chương trình hiện đại hóa quân đội hiện nay.
Trong khi đó, Trung tướng Wang Hongguang – cựu Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh cũ - kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng Trung Quốc lên mức 12%. Viện dẫn kế hoạch chi tiêu quốc phòng của Mỹ, tướng Wang Hongguang nói với báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP): "Ngân sách quốc phòng của Mỹ đã tăng 10% và chúng ta cần tăng ít nhất là hai con số, lý tưởng nhất là 12%".
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Nga về Trung Quốc Andrey Karneyev nhận xét:
"Việc Trung Quốc tập trung phát triển chiến lược đại dương có thể được giải thích bởi căng thẳng gia tăng trong khu vực Biển Đông và những lợi ích kinh tế-chính trị ở nước ngoài ngày càng tăng của Bắc Kinh".
Theo ông Karneyev, dựa vào Luật chống khủng bố, Bắc Kinh đã thiết lập khuôn khổ cần thiết để triển khai quân đội ra nước ngoài để bảo vệ sinh mạng và tài sản của công dân Trung Quốc. Ông Karneyev nói tiếp: "Nhìn chung, Hải quân Trung Quốc đã sẵn sàng triển khai một lực lượng đáng kể ở nước ngoài. Các cuộc tập trận gần đây cho thấy thủy quân lục chiến Trung Quốc đã được xem là một phần của một Lực lượng phản ứng nhanh có thể được triển khai ở nhiều khu vực địa lý (trên thế giới)".
Ngoài việc phát triển hạm đội tàu sân bay cũng như các cơ sở đặc biệt để duy trì các tàu chiến và vận chuyển hàng hóa lớn đến các khu vực không có hải cảng, Hải quân Trung Quốc cũng đang phát triển hạm đội hậu cần ở các vùng biển xa xôi.
Bên cạnh đội tàu hậu cần thuộc các dự án 903 và 905, Trung Quốc đang xây dựng các tàu hậu cần lớn theo dự án 901 để mở rộng hoạt động của hạm đội ở những vùng sâu, vùng xa.
Các chuyên gia vẫn còn khó dự đoán khi nào Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự mới. Một số cho rằng điều này có thể xảy ra, sau khi Trung Quốc hoàn thành hàng loạt các cuộc cải cách quân sự quan trọng vào năm 2020.
Trong những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc đã chuyển từ hạm đội nhỏ hoạt động gần bờ thành một lực lượng viễn chinh đáng sợ nhằm thống trị Thái Bình Dương. Trong những năm 1990, Bắc Kinh đã khởi động một số dự án phát triển tàu ngầm, tàu khu trục, tàu khu trục nhỏ và tàu hộ tống tiên tiến.
Hải quân Trung Quốc cũng đã được hiện đại hóa đáng kể. Năm 2012, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc (tàu sân bay Liêu Ninh) đã được đưa vào hoạt động. Đây là tàu sân bay đa dụng Varyag của Liên Xô mà Trung Quốc đã mua từ Ukraine với giá 25 triệu USD.
Hiện nay, Trung Quốc đang phát triển chương trình tàu sân bay riêng. Đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp nhận một số tàu sân bay được chế tạo trong nước.
Minh Châu (Theo Sputnik News)