Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo trên 80 vụ thử tên lửa kể từ khi lên nắm quyền cách đây gần 6 năm. Bất chấp hàng loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt và đe dọa trả đũa, Bình Nhưỡng vẫn kiên quyết theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, thậm chí còn “trỗi dậy” mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây.
|
Theo The Economist. nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày càng tung ra nhiều “món đồ chơi chất đầy thuốc nổ”. Ảnh ghép: Daily Express |
Theo hãng tin Yonhap, sáng 3/9, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) đã ghi nhận địa chấn mạnh 5,6 độ Richter tại Triều Tiên. Hàn Quốc cho rằng cơn địa chấn này có thể là do Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.
Trước đó vào ngày 29/8, Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa đạn đạo Hwasong-12 bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản xuống một điểm ở phía Tây Thái Bình Dương cách đó hơn 2.700km. Buổi phóng này diễn ra sau khi Mỹ và Nhật Bản vừa tập trận chung quanh Hokkaido, nhằm kiểm tra năng lực của hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3.
Với động thái trên, ông Kim Jong-un dường như đang chứng minh tên lửa Hwasong-12 có thể nhắm đến một mục tiêu xa hơn và chứa đựng nhiều thông điệp gửi tới Mỹ và hai đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hwasong-12 chính là loại tên lửa mà ông đe dọa sử dụng để tấn công đảo Guam của Mỹ. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã gọi cuộc phóng tên lửa mới nhất là một “khúc dạo đầu” cho mục tiêu tiếp theo là Guam, đồng thời cảnh báo chính phủ của ông sẽ tiến hành nhiều vụ phóng hơn xuống vùng biển Thái Bình Dương. Ông Kim còn nêu rõ Triều Tiên sẽ tiếp tục “theo dõi thái độ của Mỹ như đã tuyên bố và quyết định hành động tương lai của nước này dựa theo họ”.
Trên thực tế, ông Kim Dong-yub, nhà phân tích quốc phòng tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul lưu ý rằng quả tên lửa ngày 29/8 của Triều Tiên đã bay quá cao để PAC-3 có thể đánh chặn. “Tôi không nghĩ đây là một lời đe dọa xáo rỗng khi Triều Tiên cảnh báo nước này sẽ phóng Hwasong-12 xuống gần Guam”, chuyên gia trên nhận định, “Vụ thử nghiệm này chính là cách mà Triều Tiên nói rằng nước này sẽ tiếp tục và sẽ có khả năng làm được điều này nếu Mỹ vẫn trì hoãn bước vào bàn đàm phán dưới các điều khoản của Triều Tiên”.
Paul Burton, giám đốc hãng phân tích quốc phòng IHS Markit tại Singapore nhấn mạnh thời điểm Triều Tiên thử tên lửa trùng với lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang bận rộn đối phó với siêu bão Harvey. “Thời điểm của buổi thử nghiệm cho thấy chế độ Triều Tiên có khả năng phán đoán chính xác cách để gây tác động tối đa với chương tình thử nghiệm tên lửa leo thang của nước này”, ông Burton nói.
Tờ Economist cho rằng ông Kim Jong-un ngày càng tung ra nhiều “món đồ chơi chất đầy thuốc nổ” của mình hơn bao giờ hết. Trong 4 ngày gần đây nhất, Bình Nhưỡng đã dồn dập thử tên lửa tới 4 lần, quá nhiều khi so sánh với con số 8 vụ thử của cả hai năm 2012 và 2013. Ba năm tiếp theo, trung bình 15 lần thử mỗi năm. Nhịp độ này còn tăng mạnh hơn trong năm nay: 21 quả tên lửa trong 14 lần thử từ tháng 2.
Giới quan sát đang mổ xẻ xem điều đứng đằng sau “trận mưa đạn đạo” này là gì. Một câu trả lời đơn giản là chỉ có tăng tốc thử nghiệm mới có thể đẩy nhanh chương trình tên lửa của quốc gia Đông Bắc Á này – và ông Kim Jong-un nhìn nhận tiềm lực phóng tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân chính là chìa khóa của sự sống còn cho chế độ của ông khi đối mặt với sự thù địch của Mỹ.
Lý do thứ hai để Bình Nhưỡng tăng cường thử tên lửa chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền. Những lời đe dọa chết chóc đi cùng với sự phát triển hạt nhân và tên lửa. “Hàn Quốc sẽ chìm trong biển lửa, Nhật Bản sẽ bị biến thành tro bụi và Mỹ sẽ sụp đổ”, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên từng lớn tiếng đe dọa. Một mặt, thứ lời lẽ khoa trương như vậy được chủ đích để củng cố đất nước khi đối diện với các mối đe dọa đã được dự báo trước. Và kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) không đạt được thỏa thuận hòa bình, chính phủ có thể dễ dàng thuyết phục người dân Triều Tiên rằng họ đang trên nền tảng chiến tranh.
Mặt khác, nhìn từ nước ngoài, mục đích là để che giấu điểm yếu to lớn của Bình Nhưỡng: không có sự ngăn chặn hạt nhân đáng tin cậy bất chấp những tiến bộ gần đây, quân đội chậm tiến, nền kinh tế suy thoái và dân chúng thiếu ăn. Bà Hannah Beech tại tạp chí New Yorker đã so sánh sự nóng nảy của Triều Tiên với chiến lược tiến hóa của loài nhím, chĩa gai nhọn tua tủa khắp lưng để bảo vệ phần bụng mềm bên dưới.
Ngoài ra còn có một lý giải hợp lý khác nữa cho “mưa tên lửa” của Triều Tiên. Ông Kim có lẽ cảm thấy rằng chúng cho ông một cơ hội tốt nhất có thể trước khi Washington và Bắc Kinh dùng sức ép Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Biện pháp đối phó của Mỹ, Hàn, Nhật
Mỹ và hai đồng minh châu Á đánh giá các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là một nguy hiểm trực tiếp đến an ninh quốc gia của họ. Ngày 29/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã điện đàm riêng rẽ với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono và Hàn Quốc Kang Kyung-wha để thảo luận về việc Triều Tiên vừa phóng tên lửa bay qua Nhật Bản.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết các bên đã nhất trí rằng vụ phóng trên là một bước leo thang các hành động khiêu khích của Triều Tiên và cho thấy mối đe dọa nguy hiểm mà Bình Nhưỡng đặt ra với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trên thế giới. Ngoại trưởng Tillerson đã tái xác nhận sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, cũng như cam kết vững chắc của Mỹ trong việc bảo vệ 2 nước đồng minh này. Washington đang cân nhắc triển khai thiết bị phòng thủ “chiến lược” tới Seoul sau vụ phóng tên lửa đạn đạo mới đây của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thông qua kế hoạch mới về một cuộc chiến tranh toàn diện nhanh chóng với láng giềng Triều Tiên. Ông cũng xem xét lại bộ máy phòng vệ của nước này để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Ngay sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa được vài giờ, Seoul đã xuất kích oanh tạc cơ F15K diễn tập ném bom ngay sát biên giới giữa hai miền. Chính quyền Tổng thống Moon khẳng định giới chức quân sự Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí tiến hành các biện pháp trả đũa mạnh mẽ đối với vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các phương án đáp trả khác nhau, trong đó có hành động quân sự.
Tại Nhật Bản, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất vụ phóng tên lửa Triều Tiên vừa thực hiện. Nhật Bản có hơn 30 hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không PAC-3 được triển khai trên khắp cả nước, mỗi hệ thống có phạm vi bao phủ hàng chục km. Các quan chức quốc phòng của Tokyo đang xem xét bố trí lại vị trí các hệ thống phòng thủ để có thể đánh chặn hiệu quả nhất.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin Tức