Đằng sau việc Triều Tiên dọa hủy Hiệp định đình chiến

Google News

(Kiến Thức) - Một lần nữa, Triều Tiên lại dọa hủy bỏ Thỏa thuận đình chiến 1953 và biết đâu lần này Bình Nhưỡng lại chẳng “biến lời nói thành hành động”.

 Xe khách Triều Tiên bọc lưới ngụy trang.

Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) ngày 5/3 phát đi tuyên bố của người phát ngôn Bộ Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết CHDCND Triều Tiên sẽ không còn thừa nhận “Thỏa thuận đình chiến Triều Tiên”. Tuyên bố cho biết phía Triều Tiên quyết định từ ngày 11/3 sẽ không còn thừa nhận hiệu lực của thỏa thuận này. Không bị ràng buộc bởi thỏa thuận đình chiến, Triều Tiên có thể tiến hành tấn công bất cứ đối tượng nào vào bất cứ lúc nào.

Tuyên bố này của Triều Tiên được đưa ra đúng vào thời điểm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBD LHQ) nhóm họp để bàn về vấn đề trừng phạt Triều Tiên vì thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào ngày 12/2/2012. Có chuyên gia cho rằng hành động này của Triều Tiên nhằm gây sức ép với Mỹ, tác động lên quyết định của HĐBD LHQ.

Theo Reuters, đe dọa hủy bỏ thỏa thuận đình chiến là một sự leo thang rõ rệt trong “ngôn từ hiếu chiến” của Triều Tiên. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 bằng thỏa thuận đình chiến, không có hiệp ước hòa bình và  hai miền Triều Tiên vẫn đang ở trong trạng thái chiến tranh.

Triều Tiên thường đưa ra những đe dọa tương tự, nhưng lần này có vẻ nghiêm trọng hơn vì hai lý do. Thứ nhất, lời đe dọa do một giới chức cao cấp đưa ra và thứ hai, đe dọa này  đặt ra thời hạn cụ thể.

 Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký kế hoạch tác chiến.

Một số động thái cho thấy Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho trường hợp xảy ra xung đột với Hàn Quốc, với các thông cáo có nội dung khá hiếu chiến. Không những thế, họ đã bắt đầu che các xe lớn và xe lửa bằng lưới ngụy trang. Các lực lượng vũ trang gồm lục, hải, không quân, lực lượng tên lửa chiến lược, dân quân tự vệ… đều đã tiến hành  công tác chuẩn bị theo kế hoạch tác chiến do lãnh đạo tối cao Kim Jong-un ký, nhằm triển khai cuộc chiến toàn diện bất cứ lúc nào.

Theo Yonhap ngày 6/3, Triều Tiên vừa áp đặt các vùng cấm máy bay và tàu thuyền. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng có ý định tiến hành các cuộc tập trận lớn và phóng tên lửa tầm ngắn, tầm trung.

Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc nói: “Quân đội miền Bắc (Triều Tiên)…đang chuẩn bị các cuộc tập trận phối hợp binh chủng lớn. Chính vì vậy mà nước này đã khoanh vùng nhiều khu vực để tập trận bắn đạn thật trên biển và trên không. Không loại trừ việc Triều Tiên phóng tên lửa”.

Yonhap đưa tin Triều Tiên đang tiến hành tập trận tàu ngầm, giữa lúc nước này tăng cường chuẩn bị cho các cuộc tập trận trên phạm vi toàn quốc.

Lần gần đây nhất mà Triều Tiên có những động thái tương tự là vào năm 1993, sau khi rút khỏi Hiệp định không phổ biến vũ khí.

Bán đảo Triều Tiên trở nên nóng bỏng bất thường với lời đe dọa của Bình Nhưỡng và việc Hàn Quốc cảnh báo sẽ giáng trả “mạnh mẽ và quyết liệt” mọi hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Quân đội Triều Tiên cũng tiến hành các cuộc tập trận qui mô lớn vào những thời điểm  tình hình trở nên căng thẳng, đặc biệt khi Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiến hành cuộc tập trận thường niên trên thực địa trong tuần này.

 Một cảnh trong các cuộc tập trận Mỹ-Hàn thường niên.

Các cuộc tập trận kiểu này dễ dẫn đến đụng độ. Vụ nã pháo gây chết người trên đảo Yeonpyeong (Hàn Quốc) nổ ra, khi Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc đã nổ súng vào lãnh hải nước này. 

Hãng Yonhap của Hàn Quốc không loại trừ khả năng Triều Tiên tiến hành “khiêu khích vũ trang”, bởi vì chỉ có tạo ra tình hình căng thẳng mới có thể làm nổi bật tính cần thiết phải ký kết Hiệp định hòa bình.

Thế nhưng, báo Mỹ Christian Science Monitor cho rằng việc Bình Nhưỡng đe dọa sử dụng vũ lực là không có gì mới. Năm 2009, Triều Tiên cũng đã từng đe dọa hủy bỏ Thỏa thuận đình chiến 1953, khi nước này đối mặt với các lệnh trừng phạt của LHQ vì thử hạt nhân.

Báo này dẫn lời chuyên gia về Đông Bắc Á Bruce Klingner của Quĩ Heritage ở Washington cho rằng “lịch sử đang lặp lại”.

Vấn đề ở chỗ Trung Quốc chấp nhận LHQ trừng phạt Triều Tiên đến mức nào. Chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Cheng Xiaohe, khẳng định: “Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên cần đến nhau”. Trong khi Bình Nhưỡng dựa vào  viện trợ và thương mại của Trung Quốc, Bắc Kinh muốn duy trì một quốc gia “hữu hảo” trong khu vực để đối phó với chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng than phiền rằng kể từ khi lên nắm quyền cách đây hơn một năm, Kim Jong-un “đã nhiều lần gạt sang một bên tình hữu nghị của Trung Quốc và khiến cho ban lãnh đạo ở Bắc Kinh vô cùng khó xử”.

Kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhắc nhở: “Hiệp định đình chiến chấm dứt chiến tranh 1953 là quan trọng đối với việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên “.

Không hiểu lần này Triều Tiên có chịu nghe theo Trung Quốc hay không?

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Lê Chân (tổng hợp)