Đằng sau việc Thượng nghị sĩ John McCain “khen” Nga ở Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Khi gọi Nga là "cầu thủ lớn ở Trung Đông", Thượng nghị sĩ John McCain có ý định chọc tức ông Trump và Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama.

Đó là nhận định của học giả Nga Dmitry Egorchenkov - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Dự đoán chiến lược tại Đại học Hữu nghị Nhân dân Nga - trong cuộc trò chuyện với Đài phát thanh Sputnik.
Ngày 17/1, đề cập đến các cuộc đàm phán hòa bình Syria sắp diễn ra tại thủ đô Astana, Thượng nghị sĩ John McCain chua chát nói với Kênh truyền hình MSNBC: "Ông ta (Tổng thống Nga Vladimir Putin) bây giờ là một cầu thủ lớn ở Trung Đông. Không có gì quan trọng hơn việc người Nga, người Iran và người Thổ Nhĩ Kỳ mời Mỹ đến tham dự một hội nghị hòa bình. Mỹ không cầm đầu và thậm chí còn không phải là một phần của cuộc hòa đàm mà chỉ là khách mời”.
Dang sau viec Thuong nghi si John McCain “khen” Nga o Syria?
Thượng nghị sĩ John McCain: “Mỹ không cầm đầu và thậm chí không phải là một phần của cuộc hòa đàm (Astana) mà chỉ là khách mời”. Ảnh: AP 
Thượng nghị sĩ John McCain: “Mỹ không cầm đầu và thậm chí còn không phải là một phần của cuộc hòa đàm (Astana) mà chỉ là khách mời”. Ảnh: AP
Trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Sputnik, học giả Egorchenkov nhận định: Mặc dù Thượng nghị sĩ McCain thừa nhận Nga đã chiếm ưu thế ở Syria, tuyên bố của ông chọc tức cả Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump lẫn Tổng thống đang mãn nhiệm Barack Obama.
Nói chuyện với MSNBC, Thượng nghị sĩ McCain đã nhiều lần cáo buộc ban lãnh đạo ở Moscow nỗ lực "phục hồi đế chế Nga”. Khi được hỏi liệu chính quyền của ông Trump có "sử dụng Nga" để "chống Trung Quốc" và đánh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hay không, ông McCain nhận định rằng chiến lược này sẽ không hữu hiệu vì Nga và Mỹ có những ưu tiên khác nhau. Ông giải thích: "Ưu tiên của (Tổng thống) Vladimir Putin là khôi phục Đế chế Nga. Đúng vậy, đó là những gì mà họ (ban lãnh đạo Nga) đang làm".
Chưa hết, Thượng nghị sĩ John McCain còn đồng tình với cáo buộc vô căn cứ rằng nước Nga và lãnh đạo của nó "đặt ra một mối đe dọa đối với Mỹ còn lớn hơn ISIS (nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo)”.
Theo học giả Dmitry Egorchenkov, thái độ cay cú của TNS John McCain là điều dễ hiểu. Ông Egorchenkov nhấn mạnh: "Nga đã trở thành một cầu thủ quan trọng trong một số tiến trình khu vực. Nga đã chứng tỏ cả sức mạnh quân sự lẫn sức mạnh ngoại giao bằng cách đưa các nhóm đối lập Syria khác nhau vào bàn đàm phán ... và phối hợp với các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong quá trình đối thoại này".
Ông Egorchenkov lưu ý thêm rằng Washington đang mất dần chỗ đứng ở Trung Đông và sự thất bại của Mỹ bắt nguồn từ chính sách đối ngoại thiếu nhất quán của chính quyền Obama trong khu vực. Ông giải thích: “(Tổng thống) Obama đã mâu thuẫn với gần như tất cả các đồng minh của Mỹ ở khu vực, trong đó có Israel và Ả-rập Xê-út. Điều này cho phép Nga để ghi điểm chính trị và chiếm thế thượng phong bằng cách trở thành nhà đồng tài trợ chính cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Astana”.
Học giả Egorchenkov cho rằng "định dạng Astana" cuối cùng có thể sẽ trở thành một khuôn mẫu thương lượng chính cho các cuộc đàm phán hòa bình Syria. Ông nhấn mạnh: "Có triển vọng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ thuyết phục được các bên tham chiến – chính phủ và phe đối lập Syria. Tôi tin rằng cuối cùng Astana sẽ trở thành một trung tâm thực sự của việc ra quyết định liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, trong khi Geneva sẽ là một loại trung tâm để chính thức hóa các quyết định này".
Bước đi đầu tiên theo hướng này đã được đưa vào 20/12/2016, khi các ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Moscow để thảo luận về các biện pháp khôi phục tiến trình chính trị để chấm dứt cuộc xung đột Syria.
Sau hội nghị Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với các nhà báo: "Tôi cho rằng định dạng hiệu quả nhất chính là cái điều mà các bạn đang được chứng kiến ... Cho đến nay, định dạng của bộ ba Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh tính hữu hiệu của nó, ít nhất là về những việc làm thiết thực".
Sau vòng đàm phán Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran ở Moscow, ngày 29/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng chính phủ Syria và các nhóm vũ trang chống đối đã đạt được một thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc, mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Thứ Sáu tuần trước (12/1) tại Ankara, 27 phe nhóm đối lập Syria đã ký một thỏa thuận về việc tham gia hòa đàm với chính phủ Syria tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 23/1/2017. Cuộc hòa đàm Astana dự kiến sẽ được tiếp nối bằng một vòng đàm phán mới về Syria ở Geneva vào ngày 8/2/2017.
Dù sao đi chăng nữa, Washington cũng không bị gạt ra rìa. Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak đã mời chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump tham gia quá trình đàm phán hòa bình Syria vào ngày 29/1.
Ngày 18/1, ông Sean Spicer – phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump – nói với các phóng viên: "Tôi không có bất cứ điều gì mới để thông báo cho quí vị về điều đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Tổng thống mới đắc cử sẽ nhập cuộc, những gì đang xảy ra ở đó (ở Syria) là một mối quan tâm lớn ... Chúng tôi rõ ràng là có mong muốn làm việc với các nước và các dân tộc khác”.
Minh Châu (Theo Sputnik News)