Ông nói phó tổng thống “không đủ dũng cảm” để chống lại kết quả bầu cử. Sau vụ bạo loạn, ông cũng không hề gọi điện cho ông Pence để hỏi thăm, hay để bàn về tình hình.
Sự “tan vỡ” trong mối quan hệ giữa tổng thống và phó tổng thống Mỹ diễn ra một cách đáng kinh ngạc, chấm dứt thời gian dài mà ông Pence gần như trung thành tuyệt đối với cấp trên, theo Washington Post.
Ông Pence từng dành nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày bên cạnh ông Trump, bênh vực tổng thống qua những bê bối lớn nhất, những phát ngôn kích động nhất, bị phản ứng kịch liệt nhất. Ông luôn cẩn trọng không nói gì không hay về cấp trên - dù là trước những cố vấn thân cận nhất. Nhưng giờ đây, ông Trump và ông Pence lại kết thúc nhiệm kỳ trong sự căm giận sâu sắc.
|
Ông Trump và ông Pence trong một ảnh chụp năm 2016. Ảnh: AFP. |
Trung thành suốt bốn năm nhiệm kỳ
Cách đối xử của Tổng thống Trump với ông Pence đã gây bất bình lớn trong Nhà Trắng, và bị coi là không công bằng và xấu tính. Một quan chức chính quyền mô tả là “đáng xấu hổ, dù là với tiêu chuẩn của tổng thống này”.
“Chúng ta khá may mắn là ông Mike Pence là một người tử tế, phải chăng và bình tĩnh”, Joe Grogan, người từng phụ trách Hội đồng Chính sách Đối nội dưới quyền ông Trump, nói với Washington Post.
“Nếu ông ta là một người điên khùng như những người khác xung quanh tổng thống... có thể đã có đổ máu nghiêm trọng hơn. Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu ông Pence có ác ý, có âm mưu xấu và không đứng lên bảo vệ Hiến pháp”.
Những người phê phán nói ông Pence không đáng được khen như vậy, khi đã bênh vực tổng thống quá lâu, không lên tiếng khi ông Trump có hành động bê bối, như chia tách trẻ em nhập cư ở biên giới hoặc gọi điện đề nghị Ukraine điều tra gia đình Biden.
Các ý kiến chỉ trích khác nói chính ông Pence lựa chọn đi theo Tổng thống Trump, và ông Pence cũng là người phụ trách việc ứng phó dịch Covid-19 của chính quyền, vốn gặp nhiều thất bại và sai lầm. Số người chết vì Covid-19 ở Mỹ đã vượt 370.000 người.
“Những người Cộng hòa đã nói hàng chục năm nay là bạn không thể đàm phán với khủng bố... ông Pence lại quyết định thỏa hiệp với ông Trump vì cho rằng như vậy có lợi cho cá nhân, vậy nên kết quả này là không thể tránh khỏi”, Stuart Stevens, cố vấn cho đảng Cộng hòa, nói với Washington Post. “Ông Mike Pence vứt bỏ mọi thứ mà ông tin vào - mọi thứ - chẳng hạn, ông Pence lên sóng phát thanh và chỉ trích việc ngoại tình, vậy mà ông lại bênh vực cho Donald Trump, và tất nhiên mọi chuyện sẽ đến nước này”.
Ông Mike Pence hiện cũng bị phản ứng gay gắt từ những người ủng hộ ông Trump, bao gồm những phần tử trong đám đông xông vào Điện Capitol hôm 6/1. Trong cảnh hỗn loạn có những lời hô vang “Mike Pence đâu rồi” và những lời kêu gọi hãm hại ông.
“Ông ta không có tương lai trong đảng Cộng hòa”, Stevens nói. “Khi cử tri của đảng không chỉ la ó, mà còn đòi treo cổ bạn, thì đó không phải tín hiệu tốt”.
Một cựu quan chức chính quyền cho biết ông Pence từng nhìn nhận công việc của mình là làm mọi thứ mà tổng thống giao.
“Tổng thống có thể nói ‘Mike, tôi muốn anh bay đi châu Á’ hoặc ‘Mike, tôi muốn anh nắm tổ công tác chống dịch Covid-19’, và ông Pence sẽ làm theo, không bao giờ đặt câu hỏi”, quan chức này nói với Washington Post. “Ône Pence dành nhiều giờ liền ở Phòng Bầu dục... Bây giờ, việc họ không nói chuyện với nhau nữa là điều mà tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được”.
|
Vụ bạo loạn ngày 6/1 buộc ông Pence phải sơ tán, trong khi ông Trump xem trên TV và từ chối cử Vệ binh tới chi viện. Ảnh: AFP. |
Phản ứng trái ngược về vụ bạo loạn
Trước vụ bạo loạn ngày 6/1, ông Pence bị tổng thống gọi điện liên tục, đòi chống lại kết quả bầu cử.
“Hãy dũng cảm lên, Mike”, ông Trump nói với ông Pence.
“Sẽ tệ cho ông và cho đất nước nếu ông không làm vậy”, ông Trump lại nói trong một cuộc gặp khác.
Ông Trump liên tục tìm các lý do vô lý, không thể viện dẫn để yêu cầu ông Pence phủ nhận kết quả bầu cử. Ông Pence liên tục phải giải thích khéo léo là mình không có quyền làm vậy.
Cuối cùng, sau khi không thể thuyết phục, ngày 6/1, ông Trump ra trước đám đông, phát biểu chứa toàn bộ thông tin sai sự thật về gian lận bầu cử, rồi kêu gọi đám đông đang giận dữ kéo đến trụ sở Quốc hội để lật ngược kết quả, theo Washington Post.
Đám đông cuối cùng vượt qua hàng rào an ninh ít ỏi và xông vào Điện Capitol, buộc ông Pence và các nghị sĩ phải sơ tán.
Trong khi ông Trump ngồi xem tivi và từ chối cử lực lượng tới giải cứu, kiểm soát tình hình, ông Pence liên tục gọi điện cho các quan chức quân đội để thúc giục họ điều Vệ binh Quốc gia. Ông Pence cũng gọi cho Lãnh đạo Phe đa số Thượng viện Mitch McConnell về việc tiếp tục phiên họp kiểm phiếu ngay tối hôm đó.
Ông Trump và các cố vấn tiếp tục gọi điện yêu cầu các nghị sĩ hoãn phiên kiểm phiếu. Không ai ở Nhà Trắng gọi điện hỏi thăm ông Pence vừa trải qua những giây phút sơ tán căng thẳng.
Trong tình thế nguy hiểm, ông Pence là người nỗ lực liên tục để trao đổi và yêu cầu lãnh đạo quân đội cử Vệ binh tới giải cứu, theo Washington Post.
ABC News và New York Times dẫn nhiều nguồn tin khẳng định rằng Tổng thống Trump ban đầu từ chối cử Vệ binh Quốc gia tới bảo vệ trụ sở Quốc hội.
Điều này trái với thông điệp của ông Trump ngày 7/1 nói ông đã cử Vệ binh Quốc gia tới Điện Capitol “ngay lập tức”.
Ông McConnell nói với các cố vấn rằng ông rất tức giận với tổng thống, và dự định không bao giờ nói chuyện lại với ông Trump.
Theo Trọng Thuấn/Zingnews.vn