|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cộng đồng quốc tế đã không công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo Trường Sa và Hoàng Sa". Ảnh Báo điện tử Chính phủ (VGP News) |
Trả lời phỏng vấn của đài Sputnik, nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam là GS-TSKH Vũ Minh Giang cho biết:
"Trung Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 70 cái gọi là ‘thu hồi quần đảo’. Trung Quốc bắt đầu chiếm các đảo năm 1956. Lợi dụng khó khăn của Việt Nam và sự rút lui của Pháp ra khỏi Đông Dương, Trung Quốc chiếm giữ đảo Phú Lâm - đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa, còn Đài Loan chiếm giữ đảo Ba Bình, đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng lịch sử rõ ràng và thuyết phục rằng các đảo này từ xưa thuộc về mình. Trung Quốc chiếm giữ các đảo của các quốc gia khác, như họ đã làm trong năm 1974 với quần đảo Hoàng Sa, mong muốn chiếm giữ hoàn toàn và thiết lập sự thống trị của họ trên tất cả các đảo ở Biển Đông. Trung Quốc tìm cách thuyết phục công luận quốc tế về tính hợp pháp đối với chủ quyền các đảo Biển Đông. Để làm điều này, Trung Quốc đã tổ chức các loại ‘lễ kỷ niệm’. Sự phát triển tiềm năng kinh tế và quân sự của Trung Quốc khiến cho nước này tự tin vi phạm các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Nhưng cái giá của việc vi phạm chủ quyền của các nước láng giềng trong khu vực có thể là rất cao".
Về phần mình, Phó giáo sư Vladimir Korsun từ MGIMO nhận định:
“Trung Quốc muốn kiểm soát không chỉ giao thông đường biển, không chỉ trong giới hạn 12 hải lý hiện tại của vùng lãnh hải Trung Quốc, mà cả trên tuyến đường biển quốc tế lớn thứ hai thế giới: Malacca, Sunda và Lombok Straits. Tại đây chiếm đến 60% ngoại thương của Trung Quốc và 80% lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc từ Trung Đông và châu Phi. Động lực quan trọng để tranh chấp lãnh thổ còn là sự hiện diện của nguồn tài nguyên cá khổng lồ ở Biển Đông, cũng như phát hiện và khẳng định trữ lượng lớn dầu khí trên hải đảo ở Biển Đông, trong điều kiện thiếu năng lượng thì vấn đề cấp thiết này tăng đáng kể”.
Chủ quyền các đảo và vùng biển ở Biển Đông, ngoài Trung Quốc còn có 5 quốc gia khác tại ASEAN đang tranh chấp cùng với Việt Nam. Đây là một trong những xung đột nguy hiểm nhất và kéo dài nhất thế giới trong thời gian qua.
Theo Giáo sư Carlyle Thayer - một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông của Australia, chiến lược của Trung Quốc trong khu vực có ba mục tiêu chính: ngăn chặn việc quốc tế hóa tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; làm suy yếu sự thống nhất của ASEAN để ngăn chặn tranh chấp khu vực và duy trì căng thẳng trong Biển Đông ở mức độ áp lực chính trị và đạo đức mà không dẫn đến sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ, nhưng là một trong những công cụ chiến lược gây áp lực đối với Mỹ và giành quyền lãnh đạo trong khu vực.
Về phần mình, Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Bắc Kinh tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 70 cái gọi là Trung Quốc “thu hồi” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Việt Nam phản đối mạnh mẽ động thái của Trung Quốc đi ngược với tinh thần quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cộng đồng quốc tế đã không công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo Trường Sa và Hoàng Sa".
Minh Châu (Theo Sputnik)