Vì không có quân nhân chính thức hiện diện ở vùng chiến sự Iraq và Syria nên Mỹ hiện nay đang gặp khó khăn lớn trong việc trả lời các câu hỏi tình báo cơ bản về tình hình ở 2 quốc gia Trung Đông này, bao gồm cả thông tin về sức mạnh tác chiến của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
|
Minh họa về chính sách phi cơ không người lái của chính phủ Mỹ. Ảnh: 10tv. |
Tuy nhiên có một nhân tố mới nổi lên và được xem là thành công cả về mặt tình báo và quân sự, đó là sự hợp tác giữa Cục Tình báo Trung ướng Mỹ (CIA) (trực thuộc chính phủ) và Bộ chỉ huy các Chiến dịch Đặc nhiệm Liên hợp (thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) trong hoạt động tìm diệt các nhân vật “có giá trị cao” của cả nhóm khủng bố al-Qaeda và IS.
Khiến khủng bố không yên thân
Các quan chức cho hay, các vụ tấn công bằng phi cơ không người lái (tách biệt với cuộc không kích quy mô lớn của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ) đã làm giảm đáng kể mối đe dọa từ nhóm Khorasan, một chi nhánh al-Qaeda ở Syria từng lên kế hoạch tấn công hàng không Mỹ.
Thủ lĩnh nhóm Khorasan, tên là Muhsin al-Fadhli, cùng chuyên gia chế bom hàng đầu của nhóm này, là David Drugeon, đều đã bị tiêu diệt trong mùa hè năm nay.
Còn các cuộc tấn công có chọn lọc khác đã trừ khử các thủ lĩnh phiến quân IS, bao gồm thủ lĩnh Hajji Mutazz – kẻ chỉ đứng sau trùm IS al-Baghdadi.
Trong năm qua, các nhà phân tích tình báo và các quân nhân biệt kích đã gia tăng mạnh các hoạt động của mình, tích cực sử dụng một loạt các vệ tinh, thiết bị cảm biến, máy bay không người lái và các công nghệ khác để tìm diệt các chiến binh ẩn náu trên một khu vực rộng lớn có địa hình hiểm trở ở cả Syria và Iraq, cho dù Mỹ không đưa lục quân vào vùng này và các đối tượng trên dùng nhiều thủ đoạn ngụy trang tránh sự dò tìm của các thiết bị điện tử.
|
Khuôn viên cơ quan tình báo CIA của Mỹ. Ảnh: AP. |
Tất nhiên các cuộc tấn công kiểu này không thể đánh bại được Nhà nước Hồi giáo IS nhưng cũng khiến cho các thủ lĩnh IS phải thường xuyên ở trong trạng thái bất ngờ.
Một quan chức quốc phòng giấu tên tham gia vào các chiến dịch này cho biết: “Bọn chúng thường xuyên phải điều chỉnh [để đối phó với các các cuộc tấn công của tình báo và biệt kích Mỹ] nên chúng không còn nhiều thời gian để mà ngồi đó nghĩ cách mở các cuộc tấn công quy mô và đạt hiệu suất cao”.
Bên góp súng, bên góp thông tin
Cũng giống ở Pakistan và Yemen, vũ khí ưa thích ở Syria và Iraq để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao là các quả tên lửa dùng để bắn đi từ các phi cơ không người lái. Nhưng khác với Pakistan và Yemen, ở Syria và Iraq, Bộ chỉ huy Chiến dịch Đặc nhiệm (chứ không phải CIA) mới là người “kéo cò” hạ gục mục tiêu. Các phi cơ vũ trang không người lái của Bộ chỉ huy này hoạt động độc lập nhưng có phối hợp với chiến dịch ném bom chính quy của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ vốn chịu trách nhiệm tổng thể về cuộc chiến chống IS ở Trung Đông.
Trong khi đó, Trung tâm Chống Khủng bố của CIA sử dụng thông tin và chuyên môn phân tích của mình để phối hợp chặt chẽ với Bộ chỉ huy Chiến dịch Đặc nhiệm, cùng săn lùng các chiến binh cao cấp của phong trào Hồi giáo cực đoan. Theo các quan chức, trọng tâm mới là xây dựng một mô hình hợp tác giữa hai bên – đây là mục tiêu có từ lâu của chính quyền Obama. Mặc dù CIA tiến hành đa số các cuộc không kích trừ khử trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, ông vẫn muốn bên quân đội trở thành công cụ chủ lực trong các chiến dịch ám sát kiểu này.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết, trong vụ tấn công mới nhất vào ngày 10/9, Mỹ đã tiêu diệt được tên Abu Bakr al-Turkmani, một “quan chức” hành chính của IS, gần Tal Afar, Iraq. Còn trước đó vào tháng 7, họ đã tiêu diệt được chiến binh Abu Rahin Aziz, vốn là công dân Anh.
Nghị sĩ Adam Schiff trong Ủy ban Tình báo cho rằng, thành công của các chiến dịch dùng thiết bị UAV để ám sát các thủ lĩnh IS và al-Qaeda ở Syria và Iraq chứng minh Mỹ đã nâng được năng lực “săn lùng người” ở cả các khu vực không hề có cả đại sứ quán Mỹ lẫn lục quân Mỹ. Ông nói: “Ở Syria chúng ta mất nhiều thời gian xây dựng năng lực tình báo, nhưng mọi thứ đang khá lên sau từng ngày”.
Hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ ám sát
Kết quả trên có được sau nhiều năm hoàn thiện dần các kỹ thuật và công nghệ. Kể từ sự kiện 11/9, các chuyên gia về “phân tích mục tiêu cần trừ khử” đang đóng vai trò ngày càng quan trọng bên trong cả quân đội và các cơ quan tình báo. Nhiệm vụ của họ là nghiền ngẫm từng mẩu thông tin tình báo, sử dụng các bộ dữ liệu, các công cụ chuyên biệt và phương pháp phân tích mạng, để tạo ra bức tranh tổng thể về từng đối tượng cần tiêu diệt.
CIA bắt đầu đẩy mạnh hoạt động xây dựng hồ sơ về từng tên chiến binh khủng bố ở Syria từ đầu năm 2013, thậm chí trước cả lúc nhóm IS bành trướng nhanh chóng. Nhưng trong năm vừa qua, các quan chức cho hay, năng lực dò tìm của CIA đã tăng mạnh khi Lầu Năm Góc triển khai hoạt động giám sát 24 giờ bằng việc để cho Cơ quan An ninh Quốc gia khét tiếng NSA lùng sục các tín hiệu điện tử trong khi Cơ quan Tình báo Địa Không gian Quốc gia (NGA) thực hiệc theo dõi hình ảnh bằng vệ tinh. Trong khi đó, CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đã đẩy mạnh hoạt động tuyển nhân lực.
|
Phi cơ không người lái có vũ trang của quân đội Mỹ. Ảnh: RT. |
Khi mục đích là trừ khử đối tượng thì các nhà phân tích sẽ cố gắng xác lập “quy luật hoạt động” của tên đó, và nhờ đó họ sẽ nắm được chỗ nào và lúc nào y sẽ ở cách xa những người vô tội. Một cựu chuyên gia CIA về chống khủng bố trong lĩnh vực này cho biết, trong các năm gần đây, cơ quan này đã “hiểu rõ hơn về hình thức của một tổ chức khủng bố hiện đại và cách thức hoạt động của nó”.
Với nhiều kinh nghiệm về săn lùng chiến binh ở Trung Đông, một chuyên gia phân tích đối tượng bên quân đội Mỹ cho biết, hoạt động xây dựng bản đồ lãnh thổ con người chi tiết về giới thủ lĩnh bộ lạc Syria, Iraq và cấu trúc làng ở 2 nước này cũng giúp ích nhiều cho hoạt động của họ.
Việc săn chiến binh ở Syria và Iraq phụ thuộc vào hoạt động thu thập tình báo do cả con người tiến hành lẫn thiết bị điện tử thực hiện.
Mặc dù CIA thường không đưa đặc vụ người Mỹ ra thực địa, tổ chức này lại tuyển các chỉ điểm người nước ngoài ở các quốc gia láng giềng của Syria và Iraq rồi gửi họ ra mặt trận. Ngoài ra CIA cũng hợp tác chặt chẽ với cơ quan mật vụ Jordan, Saudi Arabia và Kurd. Các quan chức cho biết, không hề thiếu các chỉ điểm căm thù các thủ thuật tàn bạo của các chiến binh thánh chiến.
Công cụ then chốt
Nhưng nhân tố quan trọng nhất trong việc định vị các thủ lĩnh khủng bố vẫn là việc nghe lén điện tử (do NSA tiến hành), cùng với giám sát hình ảnh từ vệ tinh, phân tích truyền thông xã hội và các hoạt động khác (do NGA thực hiện). Cả hai cơ quan NSA và NGA) đều rất giỏi trong việc định vị người dựa vào các tín hiệu điện tử phát đi từ các thiết bị liên lạc.
Công nghệ được sử dụng để thu thập tình báo ở Syria và Iraq nằm trong “kho vũ khí đồ sộ nhất trong lịch sử cộng đồng tình báo, bao gồm các công cụ tình báo, giám sát, và trinh sát (ISR)”.
Các quan chức cho biết, thậm chí trong kỷ nguyên hậu Edward Snowden (mà nhờ đó cơ quan tình báo NSA trở nên nổi tiếng toàn cầu), các phần tử al-Qaeda và IS vẫn không thể từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng thiết bị điện tử để liên lạc.
Ông Schiff nói: “Chúng phải tương tác và liên lạc theo một kiểu nào đó – chúng không thể cứ ru rú trong hang mãi được”.
Thậm chí nếu các thủ lĩnh cấp cao IS áp dụng biện pháp bảo mật chống dò tìm điện tử thì những kẻ liên quan với chúng có thể sơ sẩy và tình báo Mỹ có thể lần ra từ đó.
Một số mục tiêu IS lại sử dụng truyền thông xã hội, khiến chúng càng dễ bị phát hiện.
Một ví dụ điển hình là trường hợp tên Junaid Hussein, một tin tặc người Anh đứng trong hàng ngũ chiến binh IS, đã bị máy bay không người lái Mỹ bắn hạ vào tháng 8 vừa rồi. Hussein đăng ảnh bản thân đang vác súng máy lên Twitter và đăng lời khen ngợi dành cho các tay súng. Sau khi lần ra tên này, các chuyên gia săn chiến binh của Mỹ đã dùng phi cơ không người lái để giết chết tên này gần Raqqa, thủ đô trên thực tế của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Theo VOV