Báo Pháp Le Figaro viết: Mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh không ngọt” London-Brussels không phải chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Liên hiệp Vương quốc Anh gia nhập mái nhà chung Châu Âu chỉ vì toan tính thực dụng chứ không phải bằng con tim.
|
Sau hơn 40 năm chung sống, cử tri Anh đã bỏ phiếu "ly hôn" với Liên minh Châu Âu. Tranh minh họa catholicherald.co.uk |
Liên hiệp Vương quốc Anh (Great Britain) đã từng hai lần đệ đơn xin gia nhập Thị trường chung châu Âu (EEC): lần thứ nhất vào năm 1961 và lần thứ hai là năm 1967. Nhưng cả hai lần Vương quốc Anh đều bị tướng De Gaulle công khai bác bỏ chỉ vì sợ rằng EEC “cho đi thì nhiều nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu”. Vương quốc Anh phải đợi đến 12 năm sau, chính xác là vào tháng 1/1973, mới được gia nhập EEC. Sự hội nhập đó hai năm sau đã được 67% người dân ủng hộ trong một kỳ bỏ phiếu trưng cầu dân ý.
Hiện thời, cuộc hôn nhân London-Brussels đã úa tàn, nhưng sự chia ly mới là điều đáng nói. Thế giới tuy thay đổi, nhưng những vấn đề gây tranh cãi vẫn còn đó. Đó là chủ quyền quốc gia, quan hệ với Washington và dĩ nhiên mối liên hệ với lục địa già..., với kết quả tính toán thiệt hơn lấn át tình cảm chân thành.
Bất kể mầu da là gì, người dân Anh chưa bao giờ hòa mình vào sự năng động của Châu Âu được Paris và Berlin thúc đẩy. Họ công khai thách thức “siêu quốc gia” của châu lục. Họ cản trở mọi chính sách quốc phòng chung Châu Âu, trừ Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lo lắng cho “túi tiền” của mình, người Anh đã nói không với đồng tiền chung Châu Âu (đồng Euro) .
Bận lòng cho đường biên giới và tình trạng nhập cư, họ cũng quay lưng với Khối không gian tự do lưu thông Schengen. Trên nền tảng bài Châu Âu, cựu Thị trưởng London Boris Johnson và những người tuyên truyền cho Brexit đã chọn cách ra khỏi Châu Âu.
Một khi phe Brexit giành phần thắng, người dân Anh có lẽ sẽ được độc lập hơn, nhưng chắc chắn sẽ nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn.
Ông Jean-Claude Piris, cựu cố vấn pháp lý cho Liên minh Châu Âu, cho rằng : “Về mặt hình thức, Vương quốc Anh có lẽ sẽ tìm lại được chủ quyền quốc gia của mình. Nhưng nước Anh cũng sẽ mất đi chủ quyền thực sự, chủ quyền mà họ đang thực thi chung với 27 nước thành viên khác trong Liên minh Châu Âu. Trong câu lạc bộ các cường quốc, London dường như sẽ mất đi vị thế trong các phiên họp ra quyết định”.
Câu hỏi đặt ra: Từ cuộc trưng cầu dân ý năm 1975 đến lần này 2016, các cử tri đã thay đổi về điều gì?
Cách đây 41 năm, nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher bỏ phiếu “ủng hộ” Châu Âu là vì “trên phương diện chính trị, đó là một vấn đề hòa bình và an ninh”.
Cuộc sống chung bằng “lý trí” hơn “tình cảm” này đã khiến cho Liên minh Châu Âu đôi khi cũng phải “dở khóc, dở cười”. Có lẽ cũng đúng như sự ngờ vực của tướng De Gaulle là với Vương quốc Anh, EU “cho thì nhiều nhưng nhận chẳng được bao nhiêu”.
Minh Châu (Theo Le Figaro)