Theo Debkafile, cục diện chiến trường miền bắc Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng quyết định đến việc định hình tương lai Syria, hơn cả nghị quyết mà HĐBA LHQ mới thông qua.
|
Giao tranh ác liệt xảy ra ở miền bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Tại
miền bắc Syria, có rất nhiều lực lượng tham chiến. Đó là Nga (chiến dịch không kích), quân đội Syria, quân tình nguyện Iran,các tay súng của Hezbollah; các chiến binh thuộc Lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG); các nhóm chống đối chính phủ Syria - trong đó có nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), các tổ chức cực đoan có liên hệ với mạng lưới Al Qaeda (Nusra Front, Ahram al-Sham).
Trong khi đó, Mỹ và Nga vẫn bất đồng trong việc tạo lập chính quyền chuyển tiếp ở Syria theo tinh thần Nghị quyết mới của HĐBA LHQ nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị ở Syria. Chính quyền Obama muốn Tổng thống Assad trao quyền hạn hiến định cùng với quyền lực của tất cả các cơ quan quân sự-an ninh-tình báo cho chính phủ chuyển tiếp có nhiệm vụ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, mà ở đó ông Assad sẽ bị gạt ra rìa. Tuy nhiên, Nga không chấp nhận kịch bản này. Theo điện Kremlin, chính phủ chuyển tiếp sau khi thành lập phải chứng minh được khả năng vận hành thì mới bàn đến chuyện chuyển giao quyền lực.
|
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết thúc đẩy tiến trình chính trị ở Syria.
|
Washington và Moscow hiện còn mâu thuẫn trong việc xác định các nhóm đối lập nào sẽ có đại diện trong chính phủ chuyển tiếp, nhóm nào sẽ bị coi là khủng bố. Đây là vấn đề nan giải, vì ngoài Nga-Mỹ, vấn đề này còn liên quan đến các quốc gia vùng Vịnh, nhất là Ả-rập Xê-út, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) – những nước ủng hộ nhiều phe phái đối lập ở Syria bị Nga coi là “khủng bố”.
Sự can thiệp quân sự của Nga đã buộc Mỹ phải “nhượng bộ” trong vấn đề Syria. Ngày 17/12, chỉ một ngày trước khi HĐBA thông qua dự thảo nghị quyết về Syria, Mỹ đã rút toàn bộ 12 chiến đấu cơ F-15 được triển khai ở căn cứ không quân Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) một tháng trước đó. Hành động này xảy ra tại thời điểm Nga điều tên lửa phòng không hiện đại Buk-M2 tới Syria, đe dọa tới sự an toàn của phi công Mỹ và buộc Lầu Năm góc dừng các đợt không kích ở miền Bắc Syria. Hai động thái trên cho thấy, Mỹ đã thoái lui các nguồn lực quân sự trong cuộc chiến chống IS và để cho Nga người làm chủ cuộc chơi ở Syria.
Minh Châu (Theo Debkafile)