COP 21: Nhiều hy vọng nhưng không ít chông gai

Google News

(Kiến Thức) - 150 vị nguyên thủ và lãnh đạo các nước cùng 40.000 đại biểu trên thế giới tham dự hội nghị COP 21, với nhiều hy vọng nhưng không ít chông gai.

Khoảng 150 nguyên thủ, lãnh đạo các nước và 40.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới tới tham dự hội nghị biến đổi khí hậu thế giới COP 21 tổ chức ở Paris, với nhiều hy vọng nhưng không ít chông gai.
Ngày 30/11, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ khởi động một nỗ lực đầy tham vọng  cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt trên Trái đất cũng như thúc giục các bên cùng tìm ra một thỏa thuận thống nhất để nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tổ chức ở Paris.
Sau nhiều nỗ lực đàm phán và điển hình là sự thiếu nhất trí giữa các bên ở hội nghị COP 20 tổ chức ở Copenhagen 6 năm trước. Nhiều chuyên gia và nhà quan sát hy vọng sẽ đạt bước đột phá tại COP 21 ở Pháp.
COP 21: Nhieu hy vong nhung khong it chong gai
 Pano của Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21).
Các nhà khoa học trên thế giới cảnh báo rằng nếu các vị lãnh đạo và nguyên thủ thế giới không tìm được tiếng nói chung ở COP 21 lần này,  tình hình sẽ ngày càng tồi tệ với những cơn bão khốc liệt hơn, các trận hạn hán kéo dài với tần suất thường xuyên hơn cũng như nước biển dâng cao do hiện tượng tan băng nhiều hơn ở hai cực của Trái đất.
Trước hồi chuông cảnh báo này, lãnh đạo của hơn 150 quốc gia sản sinh tới 90% lượng khí thải nhà kính trên thế giới sẽ có những cam kết về việc cắt giảm lượng khí thải carbon theo các mức độ khác nhau.
Theo như phát biểu của Tổng thống Obama hồi đầu tháng này, việc đạt được thỏa thuận quốc tế giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên của Trái đấy cũng có nghĩa "làm được một điều đúng đắn cho thế hệ tương lai”.
Thậm chí ngay trước thềm Hội nghị COP 21, hàng trăm nghìn người từ Australia đến Paraguay đã tham gia cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu được coi là lớn nhất trong lịch sử với lời kêu gọi rằng “Không có hành tinh B” trong cuộc chiến chống lại sự ấm lên của toàn cầu.
Trong khi đó, cảnh sát Pháp – nước chủ nhà của Hội nghị COP 21 lần này – đã bắt giữ những người biểu tình chống biến đổi khí hậu sau các cuộc đụng độ bạo lực ở trung tâm Thủ đô Paris. Lực lượng chống bạo động nước này buộc phải dùng đạn hơi cay để giải tán đám đông gồm 200 người quá khích đã ném đá và nến về phía họ.
Các bên cố gắng gạt khúc mắc để tới thỏa thuận
Như đã đưa tin, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ tề tựu ở trung tâm hội nghị tại căn cứ không quân Le Bourget gần địa điểm mà phi công huyền thoại Charles Lindbergh đã bay xuyên Đại Tây Dương năm 1927.
Song, tại sự kiện diễn ra lần này ở Le Bourget, tinh thần đoàn kết đó dường như còn khá mong manh. 195 đại diện quốc gia tham gia COP 21 đang tham gia quá trình đàm phán khó khăn. Trong đó, các vấn đề chủ chốt vẫn còn điều tranh cãi giữa các bên.
Khẳng định quyết tâm giải quyết những điểm khó nhất, các nhà đàm phán cấp cao đã cùng ngồi vào bàn làm việc kể từ hôm 29/11, sớm hơn một ngày so với dự kiến ban đầu, để bắt đầu công cuộc tìm tiếng nói chung giữa các quốc gia trong vấn đề cắt giảm lượng khí phát thải car-bon.
Còn nhớ, hội nghị COP lần trước diễn ra ở Copenhagen nằm 2009 kết thúc trong tình cảnh khá hỗn loạn khi các bên chưa thể đưa ra một thỏa thuận cuối cùng về việc chống biến đổi khí hậu. Lúc đầu, Tổng thống Obama phải nhóm họp kín với Trung Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, sau đó các bên có sự nhượng bộ khiêm tốc khi cam kết hạn chế gia tăng lượng phát thải khí nhà kính cho tới năm 2020 điều vốn mà họ đã cố gắng áp dụng đối với toàn thế giới.
COP 21: Nhieu hy vong nhung khong it chong gai-Hinh-2
 Nước chủ nhà Pháp huy động lực lượng bảo vệ cho an ninh Hội nghị COP 21.
Lo lắng trước việc sẽ tái diễn giống như trên, các cường quốc đã cố gắng gạt những khúc mắc sang một bên trong quá trình đi tới một thỏa thuận thống nhất trước khi họ tới Pháp tham dự COP 21 này.
Đặc biệt, năm nay các lãnh đạo và nguyên thủ các nước sẽ xuất hiện ở ngay ngày mở màn chứ không phải ngày cuối cùng của hội nghị như các lần trước. Cùng với đó, mỗi người sẽ có bài phát biểu ngắn gọn dài chừng một vài phút nhằm xây dựng sự đồng thuận và tránh sự hỗn loạn như các cuộc đàm phán trong quá khứ.
Một cách tiếp cận mới
Hội nghị năm nay ghi nhận những thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận các vấn đề.
Mục tiêu ban đầu ở các hội nghị trước đó là cố gắng đạt được một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, giờ đây, cách tiếp cận mới lại đề cập tới việc hệ thống các cam kết quốc gia trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Sự khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Năm 2014, hai quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính nhiều nhất trên thế giới đã cùng nhau khởi động quá trình chuyển đổi từ các nhiên liệu hóa thạch sang các nhiên liệu sạch hơn. Bởi lẽ lâu này, những bất đồng giữa hai cường quốc này trong việc chống biển đổi khí hậu được xem là nguồn cơn của căng thẳng trong quá trình đàm phán cắt giảm lượng khí thải carbon.
Chẳng những vậy, Trung Quốc mới đây đã đồng ý đóng góp cho Quỹ Khí hậu xanh do một tổ chức quốc tế quản lý với hy vọng giải ngân 100 tỷ USD mỗi năm từ nay tới năm 2020 để tài trợ cho các nước đang phát triển theo đuổi quá trình chuyển đổi sử dụng từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu có thể tái tạo.
Thanh Nga (theo Reuters)