Tiểu đoàn Abu Bakr al-Siddiq, nhóm vũ trang đang kiểm soát vùng Zintan (Libya), tuyên bố đã trả tự do cho Saif sau khi bắt giữ ông này tại đây hồi tháng 11/2011, một tháng sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị phe nổi dậy lật đổ và sát hại.
Thông báo từ Tiểu đoàn Abu Bakr al-Siddiq viết: "Công dân Saif al-Islam Gaddafi được trả tự do vào ngày 9/6 theo luật pháp được thông qua bởi Quốc hội, cơ quan pháp quyền hợp pháp duy nhất ở Libya".
|
Saif al-Islam Gaddafi bình thản ngồi giữa những người bắt giữ ông ta ở sân bay Obari. Ảnh: Telegraph |
Saif từng bị Tripoli kết án tử hình vào tháng 7/2015 trong một phiên tòa xét xử các cựu quan chức chính phủ Gaddafi.
Saif cũng bị Toà án Hình sự Quốc tế truy nã về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại.
Hiện vẫn chưa rõ Saif al-Islam đang ở đâu sau khi được thả tự do nhưng nó làm không ít người Libya dấy lên hy vọng về việc chính trường Libya có thể xuất hiện thêm một đấu thủ mới, làm thay đổi cán cân lực lượng tại Libya.
Sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ năm 2011, Libya rơi vào cảnh bất ổn, được kiểm soát bởi hai lực lượng: một bên là tướng Khalifa Haftar, đại diện cho Nghị viện ở Tobruk ở miền Đông, được Ai Cập ủng hộ cả về quân sự lẫn ngoại giao. Một bên là Fayez Mustafa al - Sarraj, người đứng đầu chính phủ ở Tripoli, được cộng đồng quốc tế công nhận, nhưng gần như không thể kiểm soát nổi các vùng lãnh thổ khác trên đất nước.
Trong khi đó, Saif al-Islam là nhân vật nổi bật nhất trong số 8 người con của Gaddafi, sở hữu tấm bằng tiến sĩ của Đại học Kinh tế và Chính trị London.
Khi ông Gaddafi còn tại vị, Saif đã giúp cha mình điều hành đất nước và từng có một thế hệ người dân Libya tin rằng Saif chính là chìa khóa duy nhất để thoát khỏi hệ thống ngột ngạt của Muammar Gaddafi, người nắm quyền nhiều thập kỷ.
Con trai thứ của Gaddafi từng thương thuyết với gia đình của 1.200 tù nhân bị binh lính giết hại ở nhà tù Abu Salim năm 1996, lần đầu tiên thừa nhận rằng đây là hành động sai trái.
Khi cuộc cách mạng bùng nổ vào tháng 2/2011, Saif quay về quê hương để ủng hộ cha mình, xuất hiện trên sóng truyền hình và chỉ trích quân nổi dậy một cách nặng nề.
Chính Saif từng có một dự cảm không lành về số phận của đất nước Lybia khi tuyên bố: "Sẽ có nội chiến ở Libya... Chúng ta sẽ chém giết lẫn nhau ngoài đường. Toàn bộ Libya sẽ bị hủy diệt. Chúng ta sẽ cần 40 năm để đạt được thỏa thuận điều khiển đất nước, bởi vì hôm nay thì ai cũng muốn làm tổng thống, hoặc quốc vương, ai cũng muốn đứng đầu quốc gia này".
Saif có cái nhìn riêng về tương lai của đất nước Libya, muốn thay đổi đất nước một cách từ từ.
Vẫn chưa biết trong tương lai mọi việc sẽ ra sao, nhưng trong bối cảnh các phe phái ở đất nước này kiên quyết không chịu ngồi với nhau trong cuộc đấu tranh giành quyền lực, nhiều người nhìn thấy ở Saif al-Islam một nhà kiến trúc tương lai của đất nước Libya mới.
Điều đó là hoàn toàn có thể. Thông qua các bộ tộc Zintan và lực lượng dân quân, Saif al-Islam có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của dân chúng Libya. Khi ấy, ván cờ Libya sẽ thay đổi.
Theo An Nhiên/Báo Đất Việt